• Phật sự: 0902 427 222 - Phone USA: +14092179287 (Thầy Thích Nhuận Tâm)
  • Giáo vụ: 0906.721.705
  • Trụ trì: Đại đức Thích Nhuận Tâm

 

Trừng phạt "giáo gian" là bảo vệ Chánh pháp

  • PDF.

(PGVN) Gần đây, Phật giáo một số nước đã bị ảnh hưởng vì những vụ gọi là bê bối của tu sĩ, trong đó có Việt Nam. Thực tiễn đặt ra rất nghiêm túc, là làm sao hạn chế tình trạng này, để giữ gìn hình ảnh Phật giáo. Một trong những cách được nghĩ đến trước tiên là xử phạt những "giáo gian" bằng luật định.

Vì nếu không điều chỉnh được bằng luật pháp thì trong thực tế, xã hội đã dùng một phương tiện khác để điều chỉnh, đó là sử dụng truyền thông. Khi đó, "giáo gian" không bị chế tài, mà cả đạo Phật bị ảnh hưởng lây.

Thông tin báo Tuổi Trẻ được trích dẫn dưới đây cho thấy tầm quan trọng của vấn đề và cố gắng của Thái Lan, một nước sùng mộ đạo Phật, và Phật giáo Thái Lan đang ra sức giải quyết.

Đây quả là một vấn đề khó khăn và căng thẳng đến mức quyết liệt, vì như chúng ta đều đã biết, hiện nay áp lực của truyền thông đối với Phật giáo là rất mạnh. Người ta soi Phật giáo rất kỹ và truyền thông rất nhạy cảm đối với những vấn đề của tu sĩ Phật giáo. Tin xấu về Phật giáo lan đi rất nhanh và đều gây được sự chú ý lớn lao của dư luận xã hội. Ở Việt Nam, chúng ta cũng cảm nhận rõ ràng chuyện này.

Tuong Ho phap

Tượng Hộ Pháp ở chùa Tây Phương, ảnh Hoàng Anh Tuyển

Giữa Phật giáo với xã hội không hề có mâu thuẫn, nhưng mâu thuẫn giữa xã hội với những nhà sư bê tha, xa hoa, phá giới, sai phạm rất lớn. Nếu không giải quyết được mâu thuẫn này bằng luật pháp, thì phương thức truyền thông càng được chú ý, sẽ rất bất lợi cho hình ảnh Phật giáo đối với xã hội.

Bài báo cũng ghi nhận những việc mà chúng tôi thấy là đi quá đà, như "Một số chùa còn bị cáo buộc vận hành cả một bộ máy tuyên truyền để thu hút những khoản đóng góp lớn" cũng như chùa sở hữu đất và "dùng vào việc phát triển thương mại". Vận động tài chính và những việc như trên ở tôn giáo nào cũng có.

Tuy nhiên, việc xã hội cứ dồn sự chú tâm vào Phật giáo cho thấy vấn đề hết sức phức tạp và rất bất lợi cho đạo Phật những việc tưởng chừng như là bình thường ở các tôn giáo, nhưng khi xảy ra ở Phật giáo, mức độ nghiêm trọng lại gia tăng, đòi hỏi những người Phật giáo phải hết sức thận trọng.

Qua truyền thông ở Việt Nam, chúng ta cũng thấy sự việc tuy ở Thái Lan nhưng đã có tác động rất xấu đến công luận. Các báo mạng thường xuyên đăng tải lại kèm những bình luận rất nặng nề.

Từ đây, chúng ta thấy vai trò người tu sĩ quan trọng đến mức đó. Làm dơ bẩn, hoen ố tôn giáo cũng chính là họ. Vì một người không phải tu sĩ, dù có xa hoa, có khuyết điểm trong đạo đức, thì không ai quan tâm họ theo đạo nào. Nhưng một tu sĩ thì khác. Hành vi của tu sĩ gắn liền với hình ảnh một tôn giáo, vì vậy, hết sức nhạy cảm đủ mọi phương diện. Nếu không chú ý đến đặc điểm này, thì sẽ là rất chủ quan và dễ đưa lại những điều tiếng như chúng ta đã thấy.

Cách giải quyết như sẽ thấy qua đoạn trích dưới đây của nhà nước Thái Lan, Phật giáo Thái Lan tuy chậm so với thực tế, nhưng vẫn rất cần thiết chưa quá muộn. Đây là cách giải quyết mà Phật giáo Việt Nam có thể tham khảo.

"Thái Lan viết luật bảo vệ đạo Phật

Đã đến lúc tăng đoàn xem xét một cách nghiêm túc những vấn đề này, đừng để đến khi người ta không còn tin tưởng và coi trọng nhà sư nữa
Báo Thái Lan The Nation

TT - Sau hàng loạt bê bối liên quan đến các nhà sư gây chấn động dư luận, chính quyền quân sự Thái Lan tìm cách đưa ra luật bảo vệ tính tôn nghiêm của Phật giáo.

Thái Lan là một nước có đa số người dân theo đạo Phật. Người dân luôn dành cho người tu hành sự tôn kính gần như là cao nhất.

Tuy nhiên, vài vụ việc gần đây liên quan đến Phật giáo đã khiến hình ảnh của tôn giáo này bị ảnh hưởng, từ chuyện hòa thượng lộ ảnh nhạy cảm bên phụ nữ, sử dụng đồ hiệu xa xỉ, đi máy bay riêng cho đến chuyện biển thủ tiền quyên góp.

Nhập nhằng sở hữu vì không có luật

Nghiên cứu của Viện Quản lý phát triển quốc gia Thái Lan (NIDA) cho biết trên toàn Thái Lan có gần 300.000 nhà sư trong khoảng 35.000 ngôi chùa và 5.000 tu viện với số đất sở hữu trị giá tới hơn 40 tỉ baht (1,22 tỉ USD).

Chùa chiền được luật Thái Lan quy định là nơi phi lợi nhuận nhưng các hòa thượng lại sở hữu hợp pháp các tài sản của chùa.

Những câu chuyện tai tiếng

Gần đây, chuyện hòa thượng Phra Phromsuthi của chùa Saket và là thành viên Hội đồng tăng đoàn tối cao (SSC) bị cáo buộc sử dụng sai mục đích hàng tỉ baht tiền quyên góp cho chùa đã bị dư luận chỉ trích.

Báo Bangkok Post cho biết mặc dù chính quyền đã xóa bỏ mọi cáo buộc cho ông nhưng sự hoài nghi của dư luận vẫn chưa tan. Các chuyên gia nói vẫn còn đó sự mập mờ trong việc các chùa, đặc biệt là các chùa nổi tiếng, chi tiêu khoản tiền quyên góp.

Nghiên cứu của Viện Quản lý phát triển quốc gia Thái Lan (NIDA) cho thấy số tiền quyên góp cho các chùa trên toàn quốc lên đến 100-120 tỉ baht/năm (3-3,6 tỉ USD). Tiền quyên góp đôi khi bị các hòa thượng dùng vào việc cá nhân và các giao dịch đó không được kiểm tra.

Một số chùa còn bị cáo buộc vận hành cả một bộ máy tuyên truyền để thu hút những khoản đóng góp lớn. Nhiều chùa được nói sở hữu các mảnh đất lớn và sau đó những khu đất này được dùng vào việc phát triển thương mại.

Đôi khi người ta cũng thấy các nhà sư sở hữu và đi những chiếc xe đắt tiền cùng những đồ xa xỉ khác. Nhiều nhà sư đã bị bắt hoàn tục nhưng không bị truy cứu hình sự vì không đủ luật liên quan.

Tạo tiền lệ mới

Trước các vụ bê bối làm tổn hại đến hình ảnh Phật giáo, chính quyền quân đội Thái Lan đã đặt ưu tiên xây dựng Luật bảo trợ và bảo vệ Phật giáo. Hiện dự thảo luật đang được Hội đồng nhà nước hiệu đính.

Luật này nếu được thông qua sẽ tạo ra các tiền lệ mới trong việc xử phạt các nhà sư vi phạm Phật pháp và cả những ai đồng lõa với hành động sai trái của nhà sư.

Những nhà sư phạm luật, bao gồm cả việc quan hệ tình dục và hủy hoại thanh danh Phật giáo, có thể đối mặt với mức án tù từ 1-7 năm hoặc bị phạt 2.000-10.000 baht (61-305 USD) hoặc cả hai.

Luật hiện tại quản lý chùa chiền và các nhà sư là Luật tăng đoàn, được chỉnh sửa hai lần từ khi có hiệu lực năm 1941.

Lần sửa đổi gần đây nhất là vào năm 1992, đặt nhà chùa trên toàn quốc dưới sự quản lý của Hội đồng tăng đoàn tối cao (SSC). SSC dùng Luật tăng đoàn để phạt và kỷ luật các nhà sư và người mới đi tu có hành vi làm tổn hại đến hình ảnh Phật giáo. Các hình phạt có cả việc bắt nhà sư vi phạm phải hoàn tục.

Luật mới được nói sẽ giúp hợp lý hóa công việc của các cơ quan pháp lý được lập ra để vận hành các ngôi chùa vì lợi ích cộng đồng. Luật cũng sẽ quy định cách ứng xử của người tu hành thông qua việc thực thi nghiêm khắc các quy tắc ứng xử tôn giáo.

Một cơ quan mới được lập ra có tên Hội đồng bảo trợ và bảo vệ Phật giáo sẽ có quyền lực rộng hơn, từ việc điều tra cho đến truy tố, đưa những tăng lữ vi phạm ra xử lý. Với luật này, người dân cũng có thể phát đơn kiện nhà sư và những kẻ đồng lõa.

Báo Bangkok Post dẫn lời hòa thượng Phra Buddha Isara chùa Om Noi ở tỉnh Nakhon Pathom kêu gọi Hội đồng lập pháp quốc gia nhanh chóng thông qua dự luật để những nhà sư giàu có và những người bị bắt hoàn tục vì vi phạm pháp luật phải đối mặt với công lý.

Tuy nhiên, hòa thượng Phra Buddha Isara cũng thừa nhận dự luật có thể vấp sự phản đối, ngay cả trong SSC. "Không dễ để thuyết phục những nhân vật quan trọng trong SSC ngồi lại" - hòa thượng nói.

Việt Phương"

Minh Thạnh
Ghi chú: Bài viết thể hiện quan điểm, cách hành văn và góc nhìn riêng của tác giả.

Nguồn: http://phatgiao.org.vn/y-kien/201412/Trung-phat-giao-gian-la-bao-ve-Chanh-phap-16523/


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

You are here Tin tức Tin tức - Thời sự Trừng phạt "giáo gian" là bảo vệ Chánh pháp