Ngày 06/11/2013, Trung tâm ngoại ngữ & bồi dưỡng văn hóa miễn phí Thiện Nhơn - chùa Lá, Gò Vấp tổ chức chuyến cứu trợ đồng bào ruột thịt miền Trung bị ảnh hưởng từ những trận bão lũ vừa qua tại các tỉnh miền Trung do thầy Thích Nhuận Tâm - trụ trì chùa Lá, quận Gò Vấp, TP.HCM làm trưởng đoàn với sự hỗ trợ của thầy Quảng Tâm (chùa Đồng Hiệp, quận Gò Vấp) và đại diện một số doanh nghiệp như: Công ty Dea Yang (Hà Nội); Công ty TNHH Tanaka Lable (TP.HCM); Công ty TNHH An Phú Vinh (TP.HCM); Nhóm tình nguyện viên SV07 cùng các nhà tài trợ khác. Địa điểm đến cứu trợ xã Đại Hưng, huyện Đại Lộc, Quảng Nam.
Đúng 6h30, chiếc xe khách 45 chỗ nặng nề lăn bánh mang theo gần 1 tấn hàng hóa cứu trợ cùng 37 người trong đoàn từ thiện gồm: hai nhà sư; phật tử của hai chùa; phóng viên báo, đài; anh chị em văn nghệ sĩ; nhóm sinh viên tình nguyện và học viên đang theo học tại Trung tâm Thiện Nhơn.
Một số phật tử ở lại phụ trách quán cơm chay, đứng nhìn theo xe với sự nuối tiếc. Trong số ấy tôi thật ấn tượng và nhớ mãi cô Chung, một phật tử đã gắn bó với chùa Lá nhiều năm và đồng hành cùng thầy Thích Nhuận Tâm trên mọi miền đất nước. Tôi còn nhớ ngày 20/10/2013 vừa qua trong chuyến từ thiện khám bệnh, phát thuốc miễn phí và tặng quà người dân tộc thiểu số nghèo tại xã Thanh Lương, thị xã Bình Long, tỉnh Bình Phước. Cô Chung quan tâm tới anh chị em trong đoàn bằng những củ khoai lang và hôm nay tự tay cô làm sữa chua mang đến cho mọi người làm tôi thật sự xúc động. Một nghĩa cử tuy nhỏ nhưng rất lớn lao, ấm áp, càng làm cho mọi người gần nhau và gắn bó hơn.
Chiều hôm ấy, tất cả các trường mầm non và cấp một cho các em về sớm, dự báo thời tiết bão từ báo, đài ti-vi đưa tin cơn bão 13 sẽ đổ bộ vào đất liền của các tỉnh Nam Trung bộ và Tp. Hồ Chí Minh.
Để trấn an tinh thần của mọi người, thầy Thích Nhuận Tâm nói: "Một khi phát tâm làm việc thịện các con đừng sợ bảo tố chi cả. Con người sinh ra ai cũng có số mà đừng lo lắng", mọi người yên tâm nhưng trong lòng khó mà không sợ được. Chúng tôi tin tưởng vào đất vào trời, vào Phật pháp. có lẽ ai cũng biết một câu nói của Nguyễn Bá Học "Đường đi khó không khó vì ngăn sông cách núi, mà khó vì lòng người ngại núi e sông". Vượt qua một ngày đêm với chặng đường dài 985 km cuối cùng đoàn chúng tôi đến được với đồng bào miền Trung thân yêu. Đồng hành với chuyến đi từ thiện hôm nay có hai vợ chồng của anh Cường và chị Triệu Vân, cùng bạn Ngọc Vân bay từ Hà Nội vào, thay mặt công ty Dea Yang (Hà Nội) tháp tùng đoàn từ thiện. Có đi và nhìn thấy miền Trung mới thấu hiểu được nỗi đau và mất mát như thế nào.
Đúng 09h30, bác tài không chạy được vì đường nhỏ hơn xe, do thời gian này các hồ đang xã lũ. Cuối cùng Thầy Nhuận Tâm liên hệ với UBND xã, hỗ trợ cho chiếc xe tải để chuyển hàng hóa và các thành viên trong đoàn. Từ xã Đại Đồng đến xã Đại Hưng 10 km. Hai bên là sông, phải đi qua ba chiếc cầu. Đó là cầu Ba Khe 1,2, 3. Đường rất xấu. Đêm qua có trận mưa lớn nên để lại những vũng nước. Chỗ lồi, chỗ lõm. Đất nhão nhoẹt. 37 người trên chiếc xe tựa vào nhau, nắm bắt tứ tung. Khi thì nghiêng qua phải, lúc lại nghiêng về bên trái. Có lúc hai phần ba chiếc xe nghiêng về một phía. Tiếng la toáng của tất cả anh chị em, nhốn nháo. Tôi đặt tên "Chuyến xe bão táp". Vậy mà thầy Nhuận Tâm với thầy Quảng Tâm vẫn điềm tỉnh vui cười, nhóm tình nguyện viên với những lời hát "Như có bác Hồ trong ngày vui đại thắng". Giọng hát tiếng cười đã xóa tan bao nỗi sợ hải của mọi người. Trong đầu mọi người nghĩ "Xe lật". Cuối cùng chuyến xe bão táp ấy đã đưa đoàn về được với đồng bào lúc 11h00 ngày 08/11/2013.
Biết hôm nay có đoàn từ thiện từ Tp. Hồ Chí Minh đến phát quà. Các cụ già và những em nhỏ ngồi xếp hàng trước sân trụ sở xã. Nhìn nét vui mừng trên gương mặt của các cụ, những em nhỏ trong ánh mắt thơ ngây, đang mong đợi điều gì đó đến với các em trong buổi sáng nay. Tôi thật sự vui và hạnh phúc vô cùng và không biết dùng ngôn từ nào để diễn tả tâm trạng của mình một cách đúng nghĩa nhất.
Trong thời gian chờ các thành viên đoàn từ thiện làm công việc chuẩn bị để phát quà, tôi đi một vòng trụ sở ủy ban xã. Chung quanh bờ tường bong tróc lớp xi-măng vì đã bao lần ngập nước do bão lũ về. Bàn làm việc đơn sơ, vài ba chiếc ghế bằng gỗ tạp để cạnh chiếc tủ gần như đã mục. Vỏn vẹn vài ba cuốn tập sách ngã sang màu vàng. Một nơi thay mặt chính quyền làm việc như vậy đấy. Nhìn thấy mà xốn xang lòng.
Anh Thảo thay mặt chính quyền xã Đại Hưng, huyện Đại Lộc, gửi lời cám ơn đến đoàn về sự giúp đỡ và chia sẻ đến đồng bào miền Trung. Quà được trao tận tay đồng bào gồm: Gạo, dầu ăn, đường, mì gói, cơm cháy và một phong bì. Một số tập vở học sinh, quần áo, mùng mền.
Chương trình kết thúc lúc 13h00 cùng ngày. Chia tay bà con trở về. Dõi mắt nhìn lại mãnh đất khô cằn, quanh năm bão lũ tôi thấy một chút ngậm ngùi, thương cảm cho những con người được sinh ra và lớn lên trên vùng đất thật không may mắn này.
Rời khỏi Đại Lộc tiếp tục cuộc hành trình, đoàn đến thăm và cúng dường chùa Vu Lan, quận Hải Châu, Tp. Đà Nẵng. Sau đó chúng tôi trở về thành phố Hội An (Quảng Nam) tặng quà cho hội viên khó khăn của Hội Người mù Tp. Hội An. Những con người không may mắn. Cuộc sống của họ là một chuỗi ngày đen tối. Trong cái bóng tối mênh mông ấy họ không đầu hàng số phận.
Bằng niềm đam mê sẵn có từ năm 1974, anh Nguyễn Miên Thượng đã để trong lòng đọc giả qua những bài thơ trữ tình và những tác phẩm nghệ thuật. Anh đoạt giải xuất sắc thơ Quảng Nam - Đà Nẵng (năm 1987). Ngồi cạnh anh tôi hỏi thăm "Anh có thể cho tôi biết anh không nhìn thấy gì? Tại sao anh làm thơ và viết truyện được"? Anh trả lời "Tôi viết bằng chữ nổi cô à". Quả thật, chúng ta có thể hơn họ về mọi mặt, duy nhất một điều ta thua họ ở chỗ không biết chữ nổi ấy. Sờ vào chỉ thấy cảm giác nham nhám mà thôi.
Chị Ngọc Sương văn phòng Hội Người mù thay mặt Hội nói lời cám ơn. Anh Mận - chủ tịch Hội hát tặng trong đoàn bài "Bông hồng cái áo". Với cảm xúc dạt dào trong lời bài hát, tôi nhìn thấy thầy Nhuận Tâm cặp mắt rưng rưng, có lẽ thầy đang nhớ về mẹ cũng như những ai không còn mẹ trên cõi đời này cùng có chung một cảm xúc như nhau.
Phần giao lưu văn nghệ tại quán ăn ở cạnh sông Hoài do hội viên trong Hội Người mù thành lập. Vợ chồng nghệ sĩ Châu Vương, Ngọc Nhiên giúp vui văn nghệ trong trích đoạn "Lan và Điệp". Ca sĩ Linh Nhâm với giọng ca đầy nội lực trong bản nhạc "Một đời người, một rừng cây". Các anh chị em trong hội ngâm thơ tặng cho những ai có tâm hồn yêu thơ. Chương trình giao lưu kết thúc lúc 10h00. Đoàn chúng tôi trở lại cuộc hành trình. Trên đường về tìm khách sạn dừng chân, không còn khách sạn, nếu còn thì với giá "Chặt chém". Quyết định cuối cùng của thầy Nhuận Tâm quay về lại khách sạn Đông Á ở Tam Kỳ. Trên xe rất vui đội tình nguyện viên luôn hát hò liên tục làm cho mọi người trên xe quên mất sự vất vả. Các phật tử trên xe háo hức, ước mơ được dừng chân lại phố cổ Hội An đặc sản có món Cao Lầu. Được ăn món Chí Mà Phủ, Lục Tào Xá cùng ông cụ ngoài 90 tuổi vẫn khỏe mạnh với tiếng rao mời gọi mọi người, cả khách ngoại quốc cũng dùng món đặc sản của ông. Nhưng tiếc quá! Thời gian không đủ để cho mọi người dừng lại như mong ước. Xe chạy ngang qua phố cổ Hội An, bác tài nói với mọi người "Phố cổ Hội An đó". Chúng tôi cố giương mắt ra nhìn thấy hai bên đường lấp lánh những ngọn đèn từ phía xa với những tượng đá non nước bên cánh tay phải mà thôi. Một chút ngậm ngùi trong tôi và mọi người, tôi tự bảo "Chia tay Hội An nha! Hẹn ngày gặp lại".
Thầy Quảng Tâm cùng các phật tử vào những buổi sáng thường tụng kinh "Chú Đại Bi" lúc xe di chuyển. Lời kinh cầu sự bình an đến với tất cả mọi người. Tôi không quên, trước khi tụng thầy nhắc nhở phật tử nhớ uống nước. Trên xe thầy và các phật tử mời nhau ăn uống. Như một đại gia đình.
Về Nha Trang trời đã tối, đoàn nghỉ tại khách sạn ở đường Trần Phú. Ở nơi đây tôi được ngắm biển về đêm. Những cơn sóng nhỏ thổi vào bờ mang theo một chút mằn mặn của hơi muối. Tôi chợt nhớ đến bài hát "Nha Trang ngày về" của cố nhạc sĩ Phạm Duy với lời "Nha Trang ngày về mình tôi trên bãi khuya"...
Sáng hôm sau đoàn dừng lại chợ Đầm, cho các phật tử anh chị em mua quà lưu niệm. Trên xe phần văn nghệ lại tiếp tục. Phát biểu cảm tưởng của thầy Tâm: "Thầy đi cứu trợ rất nhiều, không có chuyến đi nào vất vả và vui bằng hôm nay. Rất mong quý phật tử đóng góp và ủng hộ cho chuyến cứu trợ sắp tới tại các tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Trị và Quảng Bình, dự kiến cuối tháng 11/2013".
Bác Trung người cao tuổi nhất trong đoàn đồng thời là người gắn bó với thầy rất nhiều trong các chuyến đi cứu trợ. Bác chia sẻ rất khỏe khi đi làm việc thiện, ở nhà bác bệnh hoài. Cô Diệu Hoa với phần phát biểu, kêu gọi các anh chị em đi trong đoàn có gì không vừa ý, nên từ, bi, hỷ, xả... Cảm tưởng của riêng tôi. Hãy chia sẻ đem yêu thương đến cho đồng bào miền Trung. Ý nghĩa và giá trị của con người không phải là quà mà do ở tấm lòng. "Một miếng khi đói bằng một gói khi no. Của tuy tơ tóc, nghĩa so nghìn trùng". Hãy dang rộng vòng tay nhân ái đến với bất cứ ai có mãnh đời bất hạnh thì hạnh phúc sẽ được nhân đôi.
Đoàn chúng tôi bình an may mắn trở về lại nơi khởi điểm. Các anh chị em trong đoàn hình như không muốn chia tay vì gắn bó với nhau suốt chặng đường dài. Nhưng cuộc vui nào cũng tàn. Mọi người xin số điện thoại và hứa sẽ gặp lại trong chuyến đi sắp tới.
Qua bài viết này, chân thành cám ơn một con người có lòng nhân ái, là một viên ngọc sáng lan tỏa, làm nên bức tường thành kiên cố cho những sinh viên nghèo hiếu học tại chùa Lá "Một tấm lòng muôn điểm đến".
Kim Hoa
>>> Video clip: Phát quà cứu trợ H. Đại Lộc - Quảng Nam
>>> Video clip: Tặng quà Hội Người mù, Tp. Hội An - Quảng Nam
- 22/03/2014 10:13 - Thầy Nhuận Tâm trở về sau chuyến Phật sự
- 11/02/2014 13:34 - Tổ chức lễ Húy kỵ cụ bà Bùi Thị Loan (Đức Ti…
- 21/12/2013 08:00 - Thư ngỏ từ thiện
- 12/12/2013 15:41 - Đắk Lắk: Khánh thành chùa Thiên Đức
- 12/12/2013 06:55 - Triển lãm thư pháp - tặng quà hộ nghèo tại…
- 29/10/2013 13:04 - Nhạc sĩ Lê Cao Phan lâm trọng bệnh
- 21/10/2013 13:55 - Khám bệnh, tặng quà người dân tộc TX Bình Long
- 02/10/2013 06:28 - Chương trình từ thiện tháng 10/2013
- 20/09/2013 00:12 - Trăng yêu thương
- 27/06/2013 02:03 - Kêu gọi quyên góp cho Trung tâm Ngoại ngữ miễn phí