Tản mạn về thư pháp Việt Nam

Trien_lam_thu_phap_02

TẢN MẠN VỀ THƯ PHÁP VIỆT NAM - TỪ TRUYỀN THỐNG TỚI HIỆN ĐẠI.
Đối với người phương Đông, khi nói đến thư pháp người ta nghĩ tới một kiểu viết chữ Hán với phong cách đặc biệt.

Thư nghĩa là viết, Pháp nghĩa là phép tức là cách viết chữ hay phép viết chữ với nghĩa ban đầu là phương pháp viết chữ cho đúng, đều đặn, ngay ngắn. Theo thời gian, thư pháp đã vượt ra khỏi ý nghĩ của bản thân việc viết chữ và trở thành nghệ thuật viết chữ đẹp, nghệ thuật đi tìm cái đẹp, cái hồn nơi mỗi chữ mỗi câu. 

Do vị trí địa lý cũng như điều kiện lịch sử, sự giao lưu văn hóa giữa Việt Nam và Trung Quốc và sự tiếp xúc về ngôn ngữ nên việc dùng chữ Hán làm văn tự chính thống là chủ yếu ở nước ta trong suốt giai đoạn văn hóa Đại Việt. Nhưng với sự sáng tạo của riêng mình, cha ông ta đã cho ra đời hệ thống âm Hán - Việt hoàn chỉnh, tách rời âm Hán gốc. Đó cũng là tiền đề cho sự ra đời hệ thống chữ Nôm.

Thư pháp Việt Nam bao gồm hai dòng: thư pháp Hán - Nôm và thư pháp chữ Việt.

Thư pháp Hán - Nôm ở Việt Nam có từ bao giờ, tuy chưa được xác định cụ thể nhưng chúng ta có di sản thư pháp chữ Hán, chữ Nôm do người Việt Nam chủ bút.

Thu_phap_truyen_thong

Bút tích Cao Bá Quát (nguồn: thuhoavietnam.com)

Mỗi nhà nho xưa học văn chương bao giờ cũng bắt đầu bằng việc học viết chữ. Văn bao giờ cũng đi liền với chữ viết, bởi thế mới có câu "văn hay chữ tốt". Cao Bá Quát, Nguyễn Văn Siêu là một trong những gương sáng như thế, nổi danh là "Thần Siêu, Thánh Quát". Hai nguyên tắc cơ bản trong viết thư pháp là hình và thần mà qua đó thể hiện được chữ viết và là phương tiện để bày tỏ tâm thức con người. Dụng cụ không thể thiếu đó là: bút, nghiên, giấy, mực hay vẫn được gọi là "văn phòng tứ bảo".

Nghệ thuật viết chữ Hán của người Việt luôn trong chừng mực; nét bút bay bổng tài hoa nhưng mô phạm sâu lắng, mềm mại nhưng không yếu đuối, phóng nhưng không cuồng. Điều đó thể hiện nền văn hoá Việt Nam khiêm tốn, mộc mạc nhưng không hề thiếu cá tính; không tìm cái phi thường mà tìm cái bình dị, gần gũi. Dễ nhận ra một điều rằng thư pháp Việt Nam mang tư tưởng "tài tử" (không chuyên nghiệp) bởi thư pháp Việt Nam phục vụ nhân dân, phục vụ quần chúng lao động. Nhắc tới thư pháp Việt Nam là ai ai cũng liên tưởng tới hình ảnh "ông đồ" đang "thảo những nét như phượng múa rồng bay" rất gần gũi chứ không phải hình ảnh một "thư pháp gia" nào đó. Chính vì vậy mà nhiều tác phẩm đi vào lòng người từ những rung cảm, cảm hứng có thật của của thi nhân, chẳng hề có gì là quý tộc, siêu phàm, khe khắt, chi li mà cái gì cũng mộc mạc, chân chất, giản dị.

Thư pháp chữ Việt được bắt đầu khoảng 30 năm gần đây. Đây là sự sáng tạo rất đáng trân trọng, mang âm hưởng nguồn cội, là sự nối tiếp kế thừa của thư pháp truyền thống. Hình thức trình bày, bố cục tương tự như thư pháp chữ Hán; màu đen của mực tương phản với màu nền duy nhất; chữ quốc ngữ được bố trí trong khối tròn hoặc vuông. Nội dung chủ yếu vẫn xoay quanh tư tưởng đạo đức, nhân văn từ những câu đối, lời hay ý đẹp.

Viet_thu_phap_5Lich_thu_phap

Thầy Thích Nhuận Tâm say sưa cùng tác phẩm Lịch thư pháp

Thư pháp chữ Việt hiện nay có 5 kiểu chữ chính: chữ chân phương, chữ cách điệu, chữ cá biệt (cuồng thảo), chữ mô phỏng, chữ mộc bản. Nhưng nhìn chung đều có tính biểu cảm, xuất phát từ bản tính người Việt trọng tình cảm, hiếu hoà nên ít có những nét mạnh mẽ, cứng nhắc mà nét bút khoan thai, bay bướm. Bên cạnh đó còn là tính linh hoạt không câu nệ khuôn sáo, nhấn mạnh một từ hay một ngữ trong câu mang nghĩa khái quát hay mượn nét ký tự giống nhau làm một. Các chất liệu làm nền cũng phong phú hơn: giấy dó, giấy mỹ thuật, giấy lụa, mành tre, gỗ...

Thư pháp chữ Việt là sự kết hợp cái thần của chữ Hán và nét chữ quốc ngũ, là sự giao hòa giữa văn hóa Đông - Tây, giữa nghiên mực bút lông và mẫu tự La tinh đã nâng cao tầm quan trọng và làm thăng hoa vẻ đẹp mặt chữ này.

Đến nay, thư pháp chữ Việt ngày càng được đông đảo mọi người quan tâm. Tác phẩm thư pháp nổi bật nhất là Thư pháp Truyện Kiều của nhà thư pháp Nguyệt Đình (năm 2002) và nhà thư pháp trẻ Trịnh Tuấn (năm 2005).

Có thể nói, nghệ thuật thư pháp tôn vinh giá trị hệ thống văn tự từng dân tộc, là cốt cách đặc sắc của thẩm mỹ - triết học Á Đông. Thư pháp Việt Nam - hành trình không ồn ào nhưng trải qua nhiều thăng trầm, thử thách và giờ đây thật sự được yêu mến và đầy sự mong chờ ở tương lai.

Trang Dung 

Tin cũ hơn: