Kinh Phật nói chăn trâu

Kinh Phật Nói Chăn Trâu
Việt dịch: Thích nữ Tịnh Quang

Nghe như vầy, một thời đức Phật ở nước Xá Vệ, vườn Kỳ Thọ Cấp Cô Độc, bấy giờ đức phật bảo các Tỳ Kheo, có mười một pháp chăn trâu nhưng không biết cách thức chăn trâu và không biết nuôi trâu. Mười một pháp đó là những gì? một là chăn trâu mà không biết sắc; hai là không biết tướng; ba là không biết chà tắm; bốn là không biết phòng bịnh; năm là không biết xông khói; sáu là không biết chọn đường đi; bảy là không biết quí mến trâu; tám là không biết đường nào để vượt qua sông; chín là không biết tìm cỏ nước tốt cho trâu; mười là trâu không để lại thức ăn, mười một là không biết phân biệt trâu nuôi xử dụng được hay là không. Mười một việc như thế, chăn trâu mà không biết cách dưỡng hộ trâu đó, rốt cuộc trâu không mạnh khỏe, giảm sút dần dần. Tỳ kheo cũng vậy, không biết mười một việc chăn trâu đó, trọn đời không thành sa môn; ở trong pháp này hẳn không vun bồi căn bổn luật nghi, không có cành lá (giới điều) che chở. Nếu chẳng hành mười một việc lại làm sa môn, mạng chung rơi vào ba đường ác. Thế nào là mười một việc không biết của Tỳ Kheo? Tỳ Kheo không biết sắc, không biết tướng, nên gột rửa mà không biết gột rửa, nên phòng bịnh mà không biết phòng bịnh, nên xông khói mà không biết xông khói, không biết chọn đường đi, không biết quí mến trâu, không biết đường nào để vượt qua sông, không biết thực xử, không biết thực bất tận, không biết kính các bậc trưởng lão.

Tỳ Kheo, thế nào là không biết sắc? Tỳ Kheo không biết bốn đại, không biết bốn đại đã tạo ra sắc, Tỳ Kheo không biết như thế.

Tỳ Kheo, thế nào là không biết tướng? Tỳ Kheo không biết tướng nhân duyên của si (tối), không rõ tướng nhân duyên của hiệt (sáng). Thế nào gọi là không biết tướng nhân duyên của si? Tỳ kheo không biết việc tối, không biết việc sáng, không biết việc tối sáng. Thế nào gọi là không biết hiệt tướng? Không biết việc tối, không biết việc sáng, không biết việc sáng tối. Tỳ kheo, như thế gọi là không biết tướng.

Tỳ Kheo, thế nào là nên gột rửa mà không biết gột rửa? Tỳ Kheo, khi dục tâm khởi lên liền say đắm, không buông không bỏ không đoạn dứt; khởi ngu si tham xan và các ác tâm, ôm mãi không buông bỏ. Như thế Tỳ Kheo, nên gột rửa mà không gột rửa vậy.

Tỳ Kheo, thế nào là nên phòng bịnh mà không phòng bịnh? Tỳ kheo khi thấy sắc khởi tưởng tham luyến, nghe thanh suy nghĩ hình thể mà chẳng biết đó là bất thiện. Không hộ trì mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và tâm; mãi đắm ngoại trần nên không thể phòng hộ. Như thế Tỳ Kheo, nên phòng hộ mà không phòng hộ.

Tỳ Kheo, thế nào là nên xông khói mà không xông khói? Tỳ Kheo chỗ học hiểu chưa thông mà nói cho người khác. Tỳ Kheo, như thế gọi là nên xông khói mà không biết xông khói.

Tỳ Kheo, thế nào là không biết chọn đường đi? Tỳ Kheo không đi vào con đường đúng mà đi vào con đường sai. Thế nào là con đường sai? Tỳ Kheo đi vào chỗ dâm nữ hoặc chỗ tụ tập rượu chè bàn luận chuyện phiếm. Tỳ Kheo như vậy là không biết hành đạo.

Tỳ Kheo, thế nào là không biết quí mến? Khi Tỳ Kheo khác giảng thuyết pháp mầu, không để tâm ham muốn nghe. Tỳ Kheo như vậy là không biết quí mến.

Tỳ Kheo, thế nào là không biết vượt qua sông? Tỳ Kheo không biết Tứ đế. Tứ đế là gì? Tỳ Kheo không biết chân lý về khổ, chân lý về nguyên nhân khổ, chân lý về diệt khổ và chân lý về con đường diệt khổ. Tỳ Kheo, như thế gọi là không biết vượt qua sông.

Tỳ Kheo, thế nào là không biết thực xứ? Tỳ kheo không biết bốn ý chỉ. Bốn ý chỉ là những gì? Tỳ kheo không biết pháp nội quán thân, ngoại quán thân, nội ngoại quán thân; không biết nội quán thống, ngoại quán thống, nội ngoại quán thống; không biết nội quán ý, ngoại quán ý, nội ngoại quán ý; không biết nội quán pháp, ngoại quán pháp, nội ngoại quán pháp. Tỳ Kheo như thế gọi là không biết thực xử.

Tỳ Kheo, thế nào là thực bất tận? Nếu khi vua chúa, trưởng giả, thiện tín nam nữ mời thọ thực, sắp đặt các thứ mỹ vị, hết lòng cúng dường; Tỳ kheo không biết giới hạn, ăn xong còn dư lại muốn đem về. Tỳ Kheo như thế là người không biết đủ.

Tỳ Kheo, thế nào là không biết kính trưởng lão? Thế nào là Tỳ Kheo không biết cung kính cúng dường? Giả sử có vị Tỳ Kheo trưởng lão, tuổi ở cửu tuần, đạo đức học vấn cao rộng; nhưng Tỳ Kheo trẻ không chí tâm lễ kính. Khi thấy vị ấy lại không đứng dậy, không rời chỗ ngồi, khinh mạn chê cười, chẳng dung tâm tốt cư xử. Tỳ Kheo như thế là không biết kính trưởng lão.

Bất cứ Tỳ Kheo nào không biết thực hành mười một pháp này tuy ở trong pháp ta nhưng không phải sa môn, không trồng căn bản luật nghi, không có cành lá (giới điều) che phủ thảy tự hư hoại chẳng khác gì hàng bạch y, dù có làm sa môn thì cũng đi vào ba đường ác. Tỳ Kheo nếu như biết chăn trâu và thực hành mười một việc phòng hộ, khiến con trâu kia sẽ được mạnh khỏe. Mười một việc này là những gì? Người chăn trâu biết sắc, biết tướng, biết chà tắm, phòng bịnh, xông khói, chọn đường vượt sông, quí mến trâu, tìm cỏ nước, biết để lại ít nhiều ( thức ăn) chừng mực, biết phân biệt trâu tốt hay xấu, và nuôi thấy xử dụng được nó. Như thế người chăn trâu đó mới có thể thêm phần lợi ích dưỡng hộ trâu kia. Nhân đây đức Phật nói kệ:

Chăn trâu mà tường tận
Chủ trâu có phước đức
Sáu năm, sáu con trâu
Thành sáu mươi năm đúng
Chăn trâu mà thông minh
Biết phân biệt các tướng
Pháp chăn trâu như thế
Chư Phật trước từng khen.

Tỳ Kheo nên hành mười một pháp như thế thì có thể ở trong pháp này trồng các căn bản luật nghi, nhánh lá sum sê bao trùm đại địa lại không bị hư hoại. Mười một pháp đó là gì? Tỳ Kheo biết sắc, biết tướng, biết gột rửa, biết phòng bịnh, biết xông khói, biết đường đi, biết quí mến, biết qua sông, biết thực xử, biết vừa đủ, biết kính trưởng lão học rộng sâu sắc rồi cung kính cúng dường.

Tỳ Kheo, thế nào là biết sắc? Tỳ Kheo biết tứ đại tạo ra sắc; như thế là Tỳ Kheo biết sắc.

Tỳ Kheo, thế nào là biết tướng? Tỳ Kheo phân biệt được si và hiệt. Thế nào gọi là si? Chẳng phải điều suy nghĩ mà suy nghĩ, chằng phải việc làm mà làm, chẳng phải điều nói mà nói; như thế gọi là si. Thế nào gọi là hiệt? Suy nghĩ điều đáng suy nghĩ, làm điều đáng làm, nói những điều nên nói; như thế gọi là hiệt. Có thể phân biệt được si và hiệt ( tối và sáng) thì gọi là biết tướng.

Tỳ Kheo, thế nào là nên gột rửa mà biết gột rửa? Tỳ Kheo khi khởi dục tâm thì liền kềm chế tránh xa nó như vứt bỏ điều ác; như vậy Tỳ Kheo, giả sử khởi tâm sân, hận, xan, tham và các ác khác thì hay kềm chế xa lìa như vứt bỏ điều ác; như thế Tỳ Kheo nên gột rửa mà biết gột rửa.

Tỳ Kheo, thế nào là nên phòng bịnh mà phòng bịnh? Tỳ Kheo mắt thấy sắc không phân biệt tốt xấu, giữ con mắt không đắm sắc bên ngoài, lìa hẳn các ác, phòng hộ đối với nhãn căn: tai nghe tiếng, mũi ngửi mùi, lưỡi nếm vị, thân tham đồ trơn lán, ý nhiều vọng niệm; ngăn ngừa không cho vướng mắc, hộ trì các căn nầy không để nhiễm ngoại trần như bỏ các điều ác; Tỳ Kheo như thế gọi là biết phòng bịnh.

Tỳ Kheo, thế nào là luôn luôn xông khói? Tỳ Kheo như những gì đã học, đã nghe và đã hiểu, nhân đây mà nói ra; như thế là Tỳ Kheo biết xông khói.

Tỳ Kheo, thế nào là biết hành đạo? Tỳ Kheo thực hành thông suốt Bát chánh đạo; biết rằng không thể đến chốn dâm đãng rượu chè bàn luận chuyện phiếm, trọn đời không bước vào chỗ đó; Tỳ Kheo như thế là biết hành đạo.

Tỳ Kheo, thế nào là biết quí mến? Tỳ Kheo khi thấy người khác nói pháp, chí tâm nghe nhận, cảm kích tha thiết; Tỳ Kheo như thế là biết quí mến.

Tỳ Kheo, thế nào là biết vượt qua sông? Tỳ Kheo biết rõ Tứ đế. Tứ đế là những gì? Chân lý về khổ, chân lý về nguyên nhân của khổ, chân lý về diệt khổ và chân lý về con đường diệt khổ. Tỳ kheo như thế là biết vượt qua sông.

Tỳ Kheo, thế nào gọi là biết thực xứ? Tỳ Kheo biết bốn ý chỉ. Thế nào là bốn ý chỉ? Tỳ Kheo quán nội thân, quán ngoại thân, quán nội ngoại thân; quán nội thống, quán ngoại thống, quán nội ngoại thống; quán nội ý, quán ngoại ý, quán nội ngoại ý; quán nội pháp, quán ngoại pháp, quán nội ngoại pháp. Tỳ Kheo như thế là biết thực xứ.

Tỳ Kheo, thế nào là biết thực bất tận? Tỳ Kheo, nếu quốc vương, trưởng giả, thiện tín nam nữ vì lòng kính tin thỉnh các Tỳ Kheo cúng dường ẩm thực đủ thứ mỹ vị, hết lòng kính trọng thỉnh mời; Tỳ Kheo biết tự dùng vừa đủ rồi ngưng, tư duy Phật ngữ, thức ăn tuy nhiều nên tự biết hạn lượng chớ có dùng hết. Tỳ Kheo như thế là biết thực bất tận.

Tỳ Kheo, thế nào là biết kính các bậc trưởng lão thâm niên uyên bác và cung kính cúng dường? Tỳ Kheo nên gần gũi các bậc Tôn đức lễ kính cúng dường, ra vào đón tiếp, gặp mặt kính chào, hết sức cung kính chớ có kiêu mạn. Tỳ Kheo như thế là biết kính trưởng lão.

Tỳ Kheo, nếu có thể thực hành mười một việc thì ở trong pháp này trồng các căn bổn luật nghi, cành lá sum sê nhiều chỗ được che phủ, thanh tịnh vô cấu. Bấy giờ đức Thế Tôn bèn nói kệ rằng:

Tỳ Kheo tinh tấn học
Thọ thực biết tiết hạn
Cung kính các trưởng lão
Là hạnh Phật ngợi khen
Như mười một pháp này
Tỳ Kheo học nơi đây
Ngày đêm định tâm ý
Sáu năm đắc La Hán

Chư Tỳ Kheo nghe đức Phật nói xong, hoan hỷ tiếp nhận hành trì.


Việt dịch: Thích nữ Tịnh Quang (Theo Hán dịch: Tam Tạng Cưu Ma La Thập)


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: