Những mảnh đời bất hạnh

Hang_rong_2Oằn mình trên chiếc xe ba gác chở đầy dưa hấu. Ước tính trên hai trăm kí-lô-gam. Cô bé ấy đi qua những con đường lớn, rồi len lỏi vào các hẻm nhỏ, nếu có thể chiếc xe ba gác đi được đến những chỗ dốc hơi cao, cô rướn người lên gần như muốn đứng dậy. Bằng tất cả sức mạnh sẵn có cô dồn xuống đôi chân để đạp. Khi những trái dưa đỏ mộng kia vơi đi, màn đêm dần xuống cô bé trở về mái ấm của mình trong đó có ai? Có mẹ, không ba, hay có ba không mẹ, hoặc ba mẹ đầy đủ nhưng lại mang bệnh hiểm nghèo. Cũng có thể em cô bé cần cắp sách đến trường nên cô phải hy sinh "vóc liễu hình mai" kia để làm điểm tựa cho gia đình.

Hoặc có những cụ già yếu ớt, vẫn phải đếm bước mỗi ngày, bạn đồng hành của các cụ những tấm vé số trong tay. Một ngày cuối tháng chạp tôi có việc hẹn bạn trong quán càfé ở đường Nguyễn Văn Trỗi thuộc quận Phú Nhuận. Tôi mua giúp cụ hai tờ vé số, nhìn cụ tóc bạc phơ, dáng thấp bé với lưng còng. Một chút quan tâm của tình người, tôi hỏi thăm cụ "Bà đi bán một ngày được bao nhiêu vé?. Rồi ăn uống ra sao, bà ở với ai? "Cụ trả lời "Không giấu gì cô, quê tôi ở tận Quảng Nam vì không muốn phiền con cái nên tôi vào đây kiếm sống bằng nghề này, cứ sáng đến đại lý họ giao cho một trăm tấm, hết thì thôi, ngược lại khoảng ba giờ chiều vé số còn, tôi phải đến trả ngay và nhận thêm một trăm tờ mới của ngày mai cô à. Tối đến tôi về "Ngôi nhà chung". Được chủ đại lý vé số mướn cho ở một phòng rộng khoảng bốn chục mét vuông, hơn ba chục người, đủ tất cả mọi miền, Nam Trung, Bắc". Tôi thấy cụ dễ gần, nên tôi hỏi tiếp."Sao cụ không ở quê mình hay hơn cụ đi như vậy lỡ may ốm đau, bệnh hoạn ai chăm sóc cho cụ". Tôi vừa dứt câu, cụ cúi mặt xuống nhìn xấp vé số còn dày cộm trong tay, không buồn trả lời câu hỏi của tôi.

Cu_gia_ve_so_1Sự quan tâm của tôi, vô tình dấy lên nỗi đau của cụ rồi chăng? Cụ lẳng lặng bước đi và không quên cám ơn tôi. Nhìn theo bước chân chầm chậm của cụ, tôi thấy lòng mình như thắt lại. Ra khỏi quán càfé, mắt tôi không rời khỏi dáng thấp bé của cụ. Tôi tặc lưỡi như con thằn lằn, tự tôi nói nhỏ với chính tôi "Nếu như tôi được nhà giàu nhỉ!". Tôi chạy xe với tốc độ thật chậm, nhìn cụ tắp vào quán nước bên vệ đường. Tôi dừng lại trước xe nước mía. Tôi gọi hai ly, cố ý mời cụ để tìm hiểu thêm đôi chút. Lần này tôi gật đầu chào cụ, cụ nhìn tôi với cặp mắt của sự ngạc nhiên. Cụ hỏi tôi "Lại gặp cô nữa rồi! Hôm nay hai mươi hai tháng chạp, ngày mai đưa ông Táo về trời, thời tiết hôm nay nóng hơn mọi hôm, nên tôi ghé vô mua ly nước uống đỡ khát" Tôi trả lời với cụ ngay sau đó "Dạ thưa cụ! Con xin phép được mời cụ ly nước mía này nhé!". Nét mặt cụ rất vui. Cụ trả lời "Tôi cám ơn cô" tay cụ cầm ống hút xoay xoay trong ly rồi tiếp tục hỏi tôi "Sao gặp cô hoài vậy?" Tôi cười với cụ rồi hỏi tiếp "Con xin phép hỏi cụ điều này cụ đừng cho con là người tò mò nha! Còn mấy hôm nữa đến Tết rồi, cụ có về quê không hay cụ ăn tết ở đây? Những ngày Tết cụ ăn uống ra làm sao, cụ vẫn đi bán hay ở nhà trọ?" Cụ sa sầm nét mặt trả lời "Tôi không dám nghỉ cô ơi! nghỉ ở nhà buồn lắm! kệ, đi bán vậy mà vui, lúc nào thấy đói thì ăn. Những ngày Tết tôi mang theo cơm hoặc cơm nếp, một chai nước để uống vì những ngày Tết không ai bán hàng ăn, nếu có bán giá mắc lắm cô ơi!". Tôi chào cụ ra về. Nhìn phố xá đông vui, mọi người đang chuẩn bị đón Xuân. Những người tỉnh lẻ háo hức trở về nhà sau một năm làm việc. Trong dòng người đông vui ấy có hình ảnh của cụ già với xấp vé số trong tay. Mỏi mòn với những bước chân nặng trĩu.

Khuyet_tatSau đó mấy hôm, tôi ngang qua đường Nguyễn Kiệm, đối diện cây xăng Nguyễn Thái Sơn nơi góc đèn xanh đèn đỏ tôi tận mắt nhìn cảnh một bé trai tật nguyền nhưng không đầu hàng số phận. Cậu bé hai chân co quắp, hai cánh tay khều khào. Còn lại chút mỏng manh sức khỏe, cậu chìa ra chiếc nón lưỡi trai mà trong ấy có những bịch tăm bông vo tròn cả hai đầu để cầu mong khách vãng lai mua giúp. Thử hỏi giữa chốn đông người, được mấy ai động lòng trắc ẩn?. Cuộc đời của cậu bé ấy còn lại gì?. Với thân hình tàn phế! Gía như ai cũng biết nhường cơm, sẻ áo cho vào chiếc nón của cậu bé năm hoặc mười ngàn. Thậm chí đôi ba ngàn cũng được. Tôi thấy mọi người cứ chạy qua, chạy qua mặc cho bụi đường nhòe nhẹt hình ảnh của cậu. Những bịch tăm bông vẫn nằm đầy trong chiếc nón. Ôi! Những con người vô cảm, không biết rung động trước những số phận nghiệt ngã, những mảnh đời bất hạnh. Thật tiếc thay, tình cảm của họ có khác gì những que tăm bông của cậu bé được se lại bởi hai đầu.

Thật quá đổi khô khan nên không có cảm xúc dâng tràn, mỗi khi tận mắt nhìn những số phận bất hạnh. Vậy đấy! cô bé kia với vóc liễu hình mai ngày ngày làm bạn với chiếc xe ba gác. Qua bao nhiêu ngỏ ngách của từng con phố đổi lấy cuộc sống lành mạnh bằng chính đôi vai gầy yếu của mình. Trong khi ấy có biết bao cô gái như cô nhưng chay lười lao động. Những đồng tiền của họ kiếm ra trong quán bar, hoặc trong quán càfé được các đại gia nhét vào áo ngực, nhét vào lưng quần với những trò giải trí mà họ coi như lành mạnh. Nói một cách thẳng thắng họ chán cơm, thèm phở. Sẵn sàng bỏ ra bạc triệu để đổi lấy cái họ cho là mới lạ. Họ luôn luôn ra dáng "Ta có tiền có quyền hưởng thụ". Thực ra đồng tiền họ kiếm được có phải bằng chính sức lao động của mình không? Hay đó chính đồng tiền phi nghĩa. Làm thất thoát của nhà nước hằng vài chục tỷ. Lao vào trà đình, tửu điếm chẳng khác gì những con thiêu thân. Hậu quả là tan nát gia đình. Hiểm họa tội lỗi đang chực chờ, và rồi cánh cửa nhà giam sẵn sàng đón họ với những năm dài làm bạn với bốn bức tường lao lý. Còn những "đại gia con" cầm tiền đốt một cách tự nhiên xem như trò giải trí. Không hề biết quý trọng đồng tiền.

Trong khi ấy cô gái bán dưa, cụ bà bán vé số, cậu bé tật nguyền, tiền kiếm được bằng mồ hôi và nước mắt để đổi lấy bằng những bửa cơm đạm bạc. Trong chúng ta khi ra đường bất gặp những hình ảnh đáng thương ấy! Hãy mua giúp họ, nếu tính theo cấp số nhân của khách đi đường họ bớt đi một phần nhỏ của sự khó khăn. Họ không làm kẻ ăn xin để kiếm tiền, nhưng họ xin một chút tình nhân ái từ ở nơi ta!...

Kim Hoa

Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: