Thương quá, Mỹ Thương ơi!

GN - Tôi đã phục em ngay từ buổi nói chuyện đầu tiên trong chiều nhá nhem hôm ấy ở lớp học ngoại ngữ miễn phí thuộc chùa Lá (Q.Gò Vấp, TP.HCM).

nh_M_Thng

Mỹ Thương đang thao tác trên vi tính
công việc mà em phải mài mò hàng ngày để nuôi lớn ước mơ - Ảnh: B.Toàn

Giọng em nói không tròn vành rõ chữ nhưng mỗi lời em nói đều đi vào tim (chứ không chỉ vào tai) tôi. Đó là những lời kể ngăn ngắn về chuyện học của em ở trường, về ước mơ đẹp ơi là đẹp và cả về những chia sẻ chân thành em dành cho tôi và những bạn may mắn còn đủ sáu căn, được có thân người không khuyết tật.

Câu chuyện của em, cô bé không may mắn, sanh ra đã bại não và có cùng mẫu số chung với những bạn khuyết tật khác: đã từng mặc cảm, từng rất buồn. Sẽ chẳng có gì đáng nói nếu em cứ mãi buồn, mãi nương dựa vào ba mẹ để sống vấy vá, sống cho qua ngày...; em không như vậy, em đã biết vượt qua nghịch cảnh, ngay từ nhỏ em đã ý thức và cố gắng học tập và đi đứng, tự vệ sinh dù hơi chậm. Em nói như nghẹn lại: "Vì thương ba mẹ nên em đã vượt qua được nỗi đau, nỗi buồn của thân thể bệnh tật mà vươn lên...".

Em là con gái một của ba Đào Nguyên Thông và mẹ Trương Thị Lưu ở Bàu Cát, Q.Tân Bình, TP.HCM. Mà nói đúng hơn là ba mẹ em sau khi sinh em, phát hiện đứa con gái đầu lòng bị bại não, nghi là do nhiễm chất độc màu da cam nên đã không dám sinh thêm nữa, phần vì để dồn tình thương cho em, phần vì sợ đứa tiếp theo sẽ lại giống em nên... thôi!

Ngày em lớn, gia đình cứ nghĩ là em sẽ không học đến đâu, mà thực tế là để em đi học được đã là một kỳ công, một sự khổ luyện chuyên cần. Mẹ em kể trong nước mắt ngân ngấn: "Thương nó bị bại não nên đi đứng khó khăn, huống hồ viết chữ, càng khó khăn bội phần". Tôi hỏi em có viết được không, sao dám "liều" thi vào ngành công nghệ thông tin? Em cười tươi rồi nói: "Bạn bè viết mười chữ em mới viết được một chữ, chữ xấu lắm, nhưng em muốn học ngành công nghệ thông tin để sau này có thể làm được những việc mà không phải dùng tới tay chân nhiều..." (Hiện tại Mỹ Thương đang học tại Trường Cao đẳng CNTT TP.HCM - NV).

Em tính mọi chuyện thật khéo, rằng mai mốt em trở thành lập trình viên, em sẽ làm ở một trung tâm từ thiện nào đó, sẽ giúp những người bạn giống mình... Mỗi lần hỏi về ước mơ, muốn nghe ước mơ của em tôi lại thấy đôi mắt em sáng lên, lấp lánh, đẹp lắm; có lẽ vì trong ước mơ ấy không phải chỉ dành cho riêng em mà còn cho những người cùng cảnh ngộ giống em.

Cảm nhận được những khó khăn cùng ước nguyện đẹp của em nên TT.Thích Nhuận Tâm (trụ trì và là Giám đốc Trung tâm Ngoại ngữ chùa Lá) đã hết lời khen ngợi và dành cho em nhiều ưu ái, như cử thầy giáo xuống tận nhà để dạy tiếng Anh, vận động các nhà hảo tâm yểm trợ để em tới trường... Không phải người khỏe mạnh nào cũng có thể vượt qua được những nghịch cảnh trong khi em bị khuyết tật nhưng đã vững chãi đứng trên hai chân của mình bằng niềm tin, tình thương dành cho ba mẹ, cho cuộc sống quanh mình, quả thật đáng quý và thương lắm, em ạ!

Đình Long
Theo Giác Ngộ Online
xem tin gốc

Nếu có một chia sẻ, em có chia sẻ gì với các bạn trẻ?

- Mỹ Thương: Đối với những người bạn khuyết tật như mình, mong các bạn hãy cố gắng vượt qua khó khăn, nỗ lực hết mình để sống, chia sẻ bởi dẫu mình bị khiếm khuyết về thân thể nhưng tinh thần, tình thương và ý chí của mình không thể khiếm khuyết được.

Đối với những bạn lành lặn, mình mong các bạn hãy trân quý bản thân, tận dụng lợi thế của mình để sống có ý nghĩa hơn, đừng để mình trở thành người không có ước mơ, hoài bão, hoài phí…

B.Toàn ghi


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: