• Phật sự: 0902 427 222 - Phone USA: +14092179287 (Thầy Thích Nhuận Tâm)
  • Giáo vụ: 0906.721.705
  • Trụ trì: Đại đức Thích Nhuận Tâm

 

Khi lòng nhân ái “đơm hoa”

  • PDF.

(PGVN) "Giúp người là niềm vui sống, là cái duy nhất có thể để lại cho cuộc đời này". Chính vì tấm lòng và cái tâm trong sáng ấy nên dù đã bước sang cái tuổi thất thập cổ lai hy nhưng thầy Nguyễn Văn Mốt (Pháp danh: Thanh Liêm), Chủ tịch Hội Cựu giáo chức Tp.Sa Đéc, người được ví như "ông Bụt" giữa đời thường, vẫn theo đuổi con đường thiện nguyện và mỗi khi nhắc đến thầy, mọi người đều bày tỏ sự kính trọng.

Thay Nguyen Van Mot

Thầy Nguyễn Văn Mốt
"Cha đẻ" của nhiều mô hình thiện nguyện

Chúng tôi đến thăm thầy Nguyễn Văn Mốt vào một ngày đầu xuân, khí trời còn khá lạnh. Lần đầu tiếp xúc, người viết như được "sưởi ấm" bởi những chia sẻ rất chân thật về hành trình làm từ thiện giúp người nghèo. Trong suốt thời gian trò chuyện, thầy Mốt kể cho chúng tôi nghe về hành trình chăm lo cho người nghèo, những mảnh đời bất hạnh, yếm thế trong xã hội.

Đó là việc vận động hỗ trợ thành lập 'Nhà tình thương' cho trẻ mồ côi, thành lập 'Trường nuôi dạy trẻ khuyết tật', vận động sáng lập tổ Từ thiện cấp cơm cháo nước miễn phí cho bệnh nhân tại Bệnh viện Đa khoa Sa Đéc, vận động và tổ chức thành lập nhà hỏa táng miễn phí; vận động sáng lập Bếp ăn khuyến học, Tiếp sức học sinh nghèo khó đến trường, vận động sáng lập mô hình Xe tang từ thiện v.v...

Trong số các mô hình vừa kể, đáng chú ý là mô hình Bếp ăn từ thiện Bệnh viện Đa khoa Sa Đéc. Thầy Mốt kể, năm 1992, khi còn làm việc ở Liên hiệp các tổ chức Hữu nghị tỉnh, trong một lần vào Bệnh viện Sa Đéc, thầy Mốt thấy nhiều gia đình bệnh nhân đem củi, gạo vào phía sau bệnh viện kê gạch nấu cơm vô cùng khó nhọc.

Thầy liền đề xuất ý kiến thành lập tổ Từ thiện nấu phục vụ cơm, cháo, nước sôi miễn phí. Đến nay, trải qua hơn 23 năm tồn tại, Bếp ăn từ thiện vẫn chưa một ngày tắt lửa và hoạt động ngày một hiệu quả hơn, trở thành mô hình điển hình để nhiều đơn vị trong và ngoài tỉnh đến học hỏi kinh nghiệm tổ chức hoạt động.

Tham quan thực tế, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên vì tất cả đồ đạc ở đây đều sạch sẽ, gọn gàng với các thiết bị và công nghệ nấu nướng ngày một hiện đại. Hiện tại, Bếp ăn có trên 30 nhóm, với trên 500 thành viên thuộc khắp các địa phương phía Nam sông Tiền sẵn sàng thay phiên phục vụ cơm, cháo, nước sôi miễn phí cho người bệnh nghèo.

Nói về Bếp ăn từ thiện Bệnh viện Đa khoa Sa Đéc, bà Trần Thị Tư (xã Phong Hoà, huyện Lai Vung), có người thân đang nằm điều trị nội trú tại bệnh viện tâm sự, nghèo là đã khổ. Gặp cảnh hoạn nạn đau ốm, phải nhập viện lâu ngày, nhà thì xa, lại càng khổ hơn. May mà có tổ Từ thiện hỗ trợ ăn uống, bằng không, chắc phải về nhà chịu chết, vì chỉ lo phần thuốc men, tiền phòng thôi cũng đủ kiệt quệ rồi.

Thầy Mốt phát cơm từ thiện tại Bếp ăn từ thiện Bệnh viện Sa Đéc

Năm 2010, trong một lần tới Trường THPT Tp.Sa Đéc, thấy nhiều học sinh còn ngồi tụ tập nơi góc sân ăn vội từng gói xôi nhỏ, từng ổ bánh mì, thậm chí nhiều em có vẻ đang không có gì ăn. Đến gần thăm hỏi, mới hay nhà trường vừa tổ chức dạy một ngày hai buổi. Những học trò này đều ở xa, nhà nghèo, không đủ tiền mua được bữa ăn trưa thật no nơi các tiệm quán.

Sau nhiều đêm thao thức và trăn trở, thầy Mốt viết đơn gửi đến UBNN thành phố trình bày ý tưởng thành lập Bếp ăn trưa miễn phí hoàn toàn cho những học sinh bằng phương thức vận động xã hội đóng góp. Ngay sau khi phát thư ngỏ, giới hảo tâm trong vùng, ngoài vùng, gồm chùa chiền, doanh nghiệp tư nhân, nhân dân các tầng lớp khác, các thế hệ học trò cũ đang thành đạt của mình, đến nhiều Việt kiều quen biết khắp nơi đã tìm đến hỗ trợ.

Từ tháng 10/2010 đến nay, số lượng học sinh (03 Trường THPT: Thành phố Sa Đéc, Nguyễn Du và chuyên Nguyễn Đình Chiểu) đến ăn cơm trưa tại Bếp ăn khuyến học là trên 1.000 em với gần 01 triệu suất ăn miễn phí, tổng trị giá trên 01 tỷ đồng. Điều đáng nói ở đây là ngoài những bữa cơm chay theo ngày rằm, hàng ngày các em được ăn thịt, cá nhằm đảm bảo cung cấp đủ chất dinh dưỡng, nhất là vào mỗi đợt thi cử.

Thầy Mốt động viên các em học sinh vượt qua mọi khó khăn và học tập thật tốt

Ngoài ra, bắt đầu từ niên học 2011-2012, thầy Mốt còn vận động cộng đồng hảo tâm gần xa hỗ trợ miễn phí sách vở học tập cho các em học sinh nghèo khác trên địa bàn, từ lớp 6 tới 12; đồng thời vận động cấp thêm học bổng cho các học sinh giỏi v.v...

Em Nguyễn Thị Hồng Nở, học sinh lớp 12A, Trường THPT Chuyên Nguyễn Đình Chiểu xúc động nói, nhà em ở xã Tân Phú Trung (huyện Châu Thành) cách trường khá xa. Được nhà trường giới thiệu, hàng ngày em được ăn trưa tại Bếp ăn này đã giúp em tiết kiệm một phần kinh phí trang trải cho việc học.

Còn em Trần Văn Hiếu, cựu học sinh lớp 12L, Trường THPT Chuyên Nguyễn Đình Chiểu từng ăn cơm tại bếp ăn tâm sự, nếu như cha mẹ đã sinh chúng con, cho chúng con sự sống trên cuộc đời này, thì các cô, chú trong "Bếp ăn khuyến học" là người khai tâm, soi sáng, giúp đỡ chúng con khi gặp khó khăn.

Khi lòng nhân ái "đơm hoa"

Thầy Mốt, vốn xuất thân trong gia đình nghèo không ruộng đất, có đến 8 anh, chị em ở xã Long Hậu, huyện Lai Vung. Để được đi học, lúc nhỏ thầy phải vô ở nhờ trong một ngôi chùa. Khi lên Sài Gòn học, thầy đi dạy kèm và ngủ nhờ hành lang của các chùa. Chính vì lẽ đó, thầy Mốt thấu hiểu nổi vất vả khó khăn của các em học sinh nghèo cũng như những hoàn cảnh kém may mắn trong xã hội.

Khi học xong trường sư phạm và trở thành giáo viên vào năm 1964, thầy Nguyễn Văn Mốt dạy môn Văn và Ngoại ngữ ở các tỉnh Trà Vinh, An Giang, Đồng Tháp. Thầy bí mật hoạt động cho các tổ chức cách mạng ở những địa phương mình đến dạy học và thầy được kết nạp Đảng năm 1974. Thầy từng tham gia đại diện ban khởi nghĩa tiếp quản tỉnh Sa Đéc thời điểm giải phóng miền Nam, tham gia công tác mặt trận ở thị xã, Hội Hữu nghị Việt-Xô, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh.

Hơn 20 năm qua, hàng ngày thầy vẫn miệt mài bên chiếc xe máy cũ kỹ, lúc thì đến trụ sở Hội Cựu giáo chức, lúc lại có mặt tại Bếp ăn khuyến học, Bếp ăn từ thiện bệnh viện, lúc lại đến nhà hoả táng từ thiện v.v... Dường như trên suốt chặng đường mà ông đã đi qua đều mang dấu ấn của tinh thần "thiện nguyện". Từ chuyện làm sao giúp cho người nghèo có được cơm ăn, áo mặc, học hành, đến việc thuốc thang và thậm chí lo hậu sự khi họ lìa xa trần thế.

Hiện tại, thầy Nguyễn Văn Mốt được địa phương tín nhiệm giao giữ nhiều chức vụ như: Chủ tịch Hội Bảo trợ người khuyết tật, trẻ mồ côi và bệnh nhân nghèo thành phố, Chủ tịch Hội Cựu giáo chức thành phố; Phó Trưởng ban điều hành tổ Từ thiện Bệnh viện Đa khoa Sa Đéc; Phó Trưởng ban Quản lý Nhà hỏa táng Từ thiện Sa Đéc; Nhà tình thương.

Ông Lương Văn Thiệt, Chủ tịch UBMTTQ thành phố Sa Đéc cho biết, điểm đặc biệt ở thầy Nguyễn Văn Mốt là làm từ thiện giúp người mà không cần bất cứ sự đền đáp, trả ơn nào cả. Dù đã không còn đứng trên bụt giảng, nhưng với cái tâm, cái lòng vì sự nghiệp khuyến học địa phương, thầy Mốt đã dốc hết tâm sức và kêu gọi vận động giúp đỡ học sinh nghèo hiếu học; cũng như như nhiều mặt công tác từ thiện xã hội khác.

Thầy Mốt tâm sự, trong hành trình làm từ thiện, tôi luôn tâm niệm phải có mục tiêu rõ ràng. Với từng đối tượng mà mình có hướng giúp đỡ kịp thời; trong công tác điều hành hoạt động phải công khai, minh bạch, rõ ràng, không được vụ lợi.

Có lẽ, chính cái tâm trong sáng ấy, mà đã có rất nhiều mạnh thường quân trong và ngoài địa phương, thậm chí ở nước ngoài đã tin tưởng, tìm đến thầy Mốt, địa chỉ nhân đạo tin cậy để hỗ trợ kinh phí giúp đỡ người nghèo khó. Trong suốt thời gian trò chuyện với chúng tôi, liên tục có rất nhiều cuộc điện thoại của các nhà hảo tâm gọi đến thầy Mốt để hỗ trợ. Người cho tiền, người cho gạo, sữa, quần áo v.v... và đặc biệt có người còn tặng cả đất đai cho chúng tôi, thầy Mốt phấn khởi nói.

Nhà hảo tâm Huỳnh Tấn Lợi tặng đất cho thầy Nguyễn Văn Mốt để làm từ thiện

Trước sự ngạc nhiên của chúng tôi, vừa nói, thầy Mốt vừa "khoe" bằng chứng. Đó là Giấy chứng nhận quyền sử dụng gần 70m2 đất vừa được nhà hảo tâm Huỳnh Tấn Lợi (ngụ Phường 2, Tp.Sa Đéc) tặng cho Hội Cựu giáo chức thành phố bởi cảm động trước tấm lòng, nghĩa cử cao đẹp vì cộng đồng của thầy Nguyễn Văn Mốt.

Ghi nhận và biểu dương trước những nghĩa cử cao đẹp của thầy Mốt, Bí thư tỉnh uỷ Lê Minh Hoan đã đến thăm hỏi, động viên và tặng 02 câu đối: "Một trái tim vàng thổi bùng tri thức – Một bếp lửa hồng hun đúc tương lai". Thầy cho biết, đây là nguồn động lực rất lớn để thầy làm tốt hơn nữa công tác từ thiện, tiếp tục giúp đỡ học sinh nghèo và người khó khăn vươn lên trong cuộc sống.

Câu chuyện về thầy Mốt làm từ thiện hãy còn rất dài. Song, chúng tôi xin mượn lời của ông Trần Văn Lang, một trong nhiều mạnh thường quân ở Sa Đéc để khép lại bài viết này: "Đây là người có đôi mắt nhìn ra được những mảnh đời, có đôi tai lắng nghe được những tiếng kêu cất lên và không cất lên từ bao kiếp người bất hạnh. Tại quê hương Sa Đéc, ở đâu có dấu ấn từ thiện xã hội, ở đó có công sức của thầy Mốt. Nên khi nghe thầy Mốt kêu gọi từ thiện, là tôi liền tham gia, không phải e dè, ngần ngại điều gì". Xin chúc thầy có thật nhiều sức khoẻ để tiếp tục cống hiến trên hành trình thiện nguyện của mình.

Văn Khương

Nguồn: http://phatgiao.org.vn/song-dep/201607/Khi-long-nhan-ai-dom-hoa-23255/

You are here Từ thiện Từ thiện - Sống đẹp Khi lòng nhân ái “đơm hoa”