• Phật sự: 0902 427 222 - Phone USA: +14092179287 (Thầy Thích Nhuận Tâm)
  • Giáo vụ: 0906.721.705
  • Trụ trì: Đại đức Thích Nhuận Tâm

 

Hạnh phúc đơn sơ của cô giáo về hưu

  • PDF.

Nhận được điện thoại của một học trò ở Ninh Thuận, cựu giáo viên Từ Nguyễn từ chỗ bất ngờ đã vỡ òa hạnh phúc. Kỷ niệm ngày 20/11, chị đã chia sẻ câu chuyện với VnExpress.

Ngay nha giaoNăm ngoái, cũng vào khoảng giờ này, sau bữa cơm tối của gia đình, chuông điện thoại reo. Nhìn số mã vùng thấy đó là một cuộc điện thoại từ tỉnh xa. Đầu dây bên kia là một giọng nữ, lạ hoắc: "Cô ơi, cô có nhớ em là ai không?". Tôi mỉm cười và buông câu trêu: "Cô hổng nhớ ai được vì có biết ai là ai đâu mà nhớ".

"Em là học trò cũ của cô, giờ em đang tu ở chùa Diệu Ấn của tỉnh Ninh Thuận, cô à". À, vậy ra đây là người mà lúc nãy có người quen gọi điện báo trước với tôi là sẽ có người học trò cũ đi tu, giờ xin số điện thoại để gọi hỏi thăm. Cô học trò xưng tên Cầm, ở xóm Kênh. Ngớ ra, Cầm nào nhỉ? Càng cố nhớ thì càng mờ mịt! Chết nỗi!

May mà người nhà có "bộ nhớ siêu việt" nhắc nhỏ: cô bé Cầm ốm ốm, nhỏ người, mặt nhòn nhọn, thật thà, cùng học lớp với Bấp... "À, À... Cô nhớ rồi, em đó hả?", miệng tuy nói vậy nhưng trí nhớ của tôi vẫn còn mài mại lắm, chỉ một vài nét mặt bắt đầu loáng thoáng hiện lên dưới lớp sương mờ thời gian...

Dòng ký ức bỗng được xới lên...

Đó là những năm tháng cơ cực của cuộc sống một vùng quê nghèo ven đầm phá Tam Giang. Cô trò đều vất vả, thiếu thốn mọi bề. Học trò còn khổ hơn vì đói, vì rét. Giáo viên dù lương ba cọc ba đồng vẫn còn có cái gọi là... lương, là chế độ!

Học trò của một vùng quê nghèo, 2-3 xã gom lại mới có được một trường trung học cơ sở nên có những em thì đến từ xóm ven sông, cách trường một dòng sông rộng. Mỗi mùa lũ đến, dòng sông không còn cái vẻ hiền hòa, nhẫn nại thường khi mà biến thành một biển nước vàng với những con sóng cồn phát khiếp.

Số khác đến từ những truông cát ven phá Tam Giang, mùa nóng cát trắng ngời rát bỏng cả chân, nhức mắt. Đa số lại đến từ những chân ruộng cát cằn khô hoặc từ những vùng đất "tằm nẩy" nghe đâu bước không khéo sẽ bị lún dần xuống bùn, hết nhấc chân lên nổi.

Cầm - cô học trò bé nhỏ - kiểu cọt người mà vùng quê này vẫn ví von là "chắc chắc chiện chiện", đến từ xóm Kênh. Ở bên sông, cả nhà làm nghề bủa lưới kiếm cá mang ra chợ bán, lấy tiền mua gạo, khoai củ, muối hạt về ăn. Làm cá nhưng không mấy khi được ăn cá, con cái cả xóm Kênh đứa nào cũng bé tí tẹo, khô quắt, khô queo. Cầm cũng không là ngoại lệ!

Trong câu chuyện qua điện thoại, giọng hồ hởi, Cầm nhắc đến một số chuyện mà em ấy bảo nhớ mãi không quên, dù thời gian trôi đi đã hơn hai thập kỷ. Đó là những hôm mưa lụt, nước lớn, là giáo viên chủ nhiệm, sợ các em về nhỡ chân, đuối nước, tôi không cho mấy em ở xóm Kênh về, trong đó có Cầm. Chúng ở lại và trong căn phòng tập thể nhỏ hẹp, cô trò bên nhau, chia sẻ bữa cơm đạm bạc.

Lúc nãy Cầm bảo: "Hồi đó, cô cho ăn món gì, em đều nhớ hết cô à!". Và: "Lần đầu tiên trong đời em biết chè khoai môn nó là như thế nào, nhờ cô nấu cho ăn! Vị ngọt món chè của cô nấu hồi đó, nó ngọt tới tận giờ, cô ơi!".

Nghe mà cảm động quá chừng. Vì tôi vẫn nhớ những kỷ niệm của một thời gian khổ, nhớ chuyện nấu cơm cho mấy đứa nó cùng ăn, nhưng ăn món gì thì... chịu, lâu quá rồi, làm sao mà nhớ được?

Cầm tíu tít kể về việc tu tập hiện tại, những công quả trong bước đường tu hành và cả những gặt hái của em trong những năm vừa qua. Dù chẳng biết cơ duyên nào đưa đẩy mà một nữ sinh ở một vùng quê nghèo khó lại vào tận Ninh Thuận, đi theo con đường tu hành để giờ là một ni sư tương đối thành đạt trong con đường học vấn lẫn đường tu, nhưng tôi thật sự thấy vui, thấy mừng cho em ấy.

Cũng là một lối rẽ của cuộc đời, lạ lẫm nhưng không hề ngang trái. Bất ngờ với tôi nhưng là duyên may với Cầm. Ngay cả Cầm cũng nói thế: "Nếu em không đi vào duyên tu hành, có lẽ em cũng sẽ như bao bạn bè cũ ở quê, sớm lấy chồng, sinh con và lận đận theo cơm áo, lấy đâu ra cơ may được mở rộng tri thức, được học thêm, mở mang biết bao điều...".

Và tôi, cũng sẽ không có một bất ngờ thú vị: Ở ngôi Tổ đình Diệu Ấn, Ninh Thuận, tôi có một học trò cũ, không còn là Cầm xưa mà đã là một ni sư.

Cũng là một niềm vui nho nhỏ, chút an ủi cho sự việc bất đắc dĩ phải rời bỏ nghề dạy học, nghề tôi vốn yêu thích và lựa chọn buổi đầu đời, khi Cầm nói qua điện thoại: "Em thấy trong ngôi trường bên cạnh chùa họ tổ chức chúc mừng ngày 20/11, vậy là em nhớ tới cô nên gọi điện thăm cô...".

Hôm nay, khi trên các trang mạng và cả đời thường, đâu đâu cũng rộn ràng niềm vui chào đón ngày Nhà Giáo Việt Nam - 20/11, râm ran những lời chúc mừng, tôi lại nhớ đến câu chuyện này và cũng nhớ luôn câu nói của một người bạn đã nói với tôi khi tôi chia sẻ niềm vui này với bạn: "Hạnh phúc đôi khi thật đơn sơ mà ngọt ngào như cỏ cây, hoa trái giữa đời"...

Từ Nguyễn
Thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên - Huế

Nguồn: http://vnexpress.net/tin-tuc/giao-duc/hanh-phuc-don-so-cua-co-giao-ve-huu-3103928.html 

You are here Văn hóa Hạnh phúc đơn sơ của cô giáo về hưu