• Phật sự: 0902 427 222 - Phone USA: +14092179287 (Thầy Thích Nhuận Tâm)
  • Giáo vụ: 0906.721.705
  • Trụ trì: Đại đức Thích Nhuận Tâm

 

Niềm riêng với quê nhà…

  • PDF.

Niem rieng voi que nhaTrong ký ức của tôi về quê nhà, ngày ấy làng tôi có một cây đa to chỗ bến đò đầu làng, bên này một nhánh sông Thu Bồn. Bên kia sông là vùng đất cát thoai thoải chạy dọc mé nước với những bãi dâu xanh ngắt. Cách một nhánh sông, bên này là làng Văn Thánh quê tôi suốt ngày thoi đưa rộn rã như câu ca "Duy Xuyên tơ lụa mĩ miều – sớm mai mắc cửi buổi chiều tơ giăng", còn ngàn dâu mướt xanh bên ấy là những làng trồng dâu nuôi tằm nổi tiếng của đất Giao Thủy một thời hưng thịnh. Thuở nhỏ, lũ trẻ con chúng tôi thường được nghe ông bà kể lại những câu chuyện "liên quan" đến cây đa ấy, để biết rằng gốc đa xưa từng chứng kiến sự hình thành của ngôi làng, đã có mặt từ lúc mảnh đất này còn hoang sơ, ngay từ lúc các ngư ông dạn dày kinh nghiệm ngày đêm lênh đênh trên sông nước đến khai phá.

Cùng với việc dựng nhà lập xóm, các cụ đã nghĩ ngay đến công đức của những người đi trước để luôn quan tâm đến việc lập miếu thờ các bậc tiền hiền và những vị thần trong làng. Tôi nghe ông nội tôi kể lại rằng, với lòng kính ngưỡng tiền nhân, khi mới chỉ có chừng vài chục nóc nhà, dân làng Văn Thánh đã dựng được ngôi miếu trang nghiêm ngay đầu làng và trồng cây đa tại khoảng đất miếu.

Tôi lớn lên trong lời ru của bà của mẹ, trong tiếng thoi đưa của làng dệt thanh bình. Mẹ tôi là người cẩn trọng, thường hay nhắc nhở mấy chị em tôi rằng đi qua miếu phải ngả mũ chào và đặc biệt không được có những hành động thất kính gần chốn linh thiêng. Vì vậy, thuở nhỏ đi học trường làng, bọn trẻ chúng tôi tíu tít đủ thứ chuyện trên trời dưới đất nhưng đến khi đi ngang qua miếu, đứa nào cũng ngả mũ nón và thành kính bước đi trong im lặng.

Từ xưa, "lệ" của làng tôi đã được các bậc trưởng thượng trong làng nối đời thừa kế. Có lẽ điều quan trọng nhất trong các "lệ" đó là việc hương khói và tổ chức cúng tế hàng năm, mà người chủ lễ luôn luôn là một vị cao niên có uy tín được cả làng suy cử, dựa vào những tiêu chí nghiêm ngặt về đức độ không chỉ của riêng vị ấy mà còn về cung cách lễ giáo của cả gia đình. Làng cũng sắm đủ bộ tế khí như chiêng trống, võng lọng... để sử dụng khi hành lễ. Hàng năm làng tôi tổ chức hai kỳ cúng miếu linh đình, thường là vào dịp đầu năm và giữa năm; còn vào các ngày rằm hoặc mồng một đầu tháng thì luôn có khói hương nghi ngút. Chi phí dùng vào việc khói hương và cúng tế do các gia đình tự nguyện đóng góp và mỗi người một tay. Vào kỳ cúng miếu, các bà các chị lo đi chợ nấu cỗ cúng còn các ông, các bác thì dựng rạp, quét tước, sửa soạn cỗ bàn. Công việc hoàn tất, vị chủ bái mặc áo dài, khăn đóng chỉnh tề bước đến trước bàn thờ trong lúc tiếng chiêng tiếng trống đổ hồi. Khi tiếng chiêng tiếng trống vừa dứt, vị chủ bái bắt đầu đọc "văn" cúng. Nội dung của văn cúng luôn là cầu cho mưa thuận gió hòa và những điều an lành cho dân làng... Trong tâm trí trẻ thơ chúng tôi ngày ấy, giây phút đó thật thiêng liêng, thế giới vô hình và hữu hình đang giao hòa làm một... Khi cúng bái xong, chờ cho hương khói tàn rồi thì chỉ trừ đám trẻ con, ai ai cũng xắn tay vào vào dọn cỗ, phần nào để lại thờ cúng hoặc để chia cho các bô lão thì để riêng, còn lại tất cả được dọn xuống bày ra mâm cho cả làng cùng "liên hoan". Gọi là vậy nhưng buổi "tiệc làng" còn là dịp để mọi người ngồi ngay trên những chiếc chiếu trải ra trước miếu nói chuyện làm ăn trong làng, hỏi thăm sức khỏe của nhau, rồi đến việc dạy bảo con cháu... Các cụ cao niên ngồi chiếu trong, trai tráng trẻ trung ngồi phía ngoài. Bọn nhóc chúng tôi ngày ấy cũng được xếp ngồi riêng. Đến dự bữa tiệc làng hầu như có đầy đủ mọi thành viên của mỗi nhà, không phải chỉ có đại diện chủ hộ như cách tổ chức ngày nay, do vậy không khí rất thoải mái, chan hòa, tình làng nghĩa xóm thêm gắn chặt.

Từ những hình ảnh sinh hoạt trang trọng của làng xóm cho đến những âm thanh chiêng trống vang lừng ngày ấy vẫn còn ghi đậm trong ký ức tuổi thơ của tôi. Tôi vẫn nhớ, sau những lần họp mặt linh đình ấy, xóm giềng dường như thân thiện hơn, quan tâm đến nhau hơn mặc dù vẫn tất bật lao động vì kế sinh nhai. Họ cùng nhau cầu xin sự bình yên cho mọi nhà, cùng vui cái vui chung và lo toan những công việc không chỉ của riêng cho gia đình mình... Không khí làng xóm đã để lại trong tôi nhiều ấn tượng khó quên...

Rồi ai cũng có những ngả đường riêng trên hành trình cuộc đời. Tôi là kẻ sống và làm việc ở phố thị nhưng trong tâm tưởng vẫn thấm thía hai câu thơ của ai đó tình cờ đọc được "Xưa tôi sống ở làng – Giờ làng sống trong tôi...". Lớn lên, xa quê và thỉnh thoảng về quê, tôi lại đi ngang qua miếu làng... Bấy nhiêu thôi nhưng đã sống dậy trong tôi thời tuổi thơ trong veo. Bây giờ, trải qua thời gian năm tháng, miếu làng vẫn còn đó với bóng dáng cây đa cổ thụ sừng sững một góc làng. Và đi qua đấy, tôi vẫn thường cúi đầu tưởng niệm, nhớ đinh ninh lời mẹ dặn năm nào. Với riêng tôi, cây đa và ngôi miếu của làng đã gắn với những kỷ niệm thời ấu thơ. Nơi ấy cha mẹ tôi cùng những vị cao niên trong làng thuở trước luôn kính cẩn, nghiêng mình với lòng biết ơn sâu sắc. Miếu làng, mãi trong tâm thức của tôi là sự tôn kính, là nơi che chở cho dân làng Văn Thánh quê tôi an lành đi qua biết bao năm tháng với nhiều thế hệ nối tiếp nhau... Nơi ấy gói gắm mãi trong tâm tưởng tôi một niềm riêng với quê nhà...

 MỘC CHÂU
(Tạp chí Văn hóa Phật giáo)

>>> Xem tin gốc

You are here Hiểu biết Niềm riêng với quê nhà…