• Phật sự: 0902 427 222 - Phone USA: +14092179287 (Thầy Thích Nhuận Tâm)
  • Giáo vụ: 0906.721.705
  • Trụ trì: Đại đức Thích Nhuận Tâm

 

Đó là mẹ

  • PDF.

Truyện kể rằng: Ở thành Vi - nhút nước Cộng hoà Líp - va thuộc miền Tây lãnh thổ Liên Xô cũ có một nơi gọi là Núi-Lâu-Đài. Trên đỉnh núi có một toà thành cổ và một cái tháp, từ lâu nay được dùng làm viện bảo tàng Vi-nhút.

Cách đây lâu lắm rồi, công trình xây trên tháp đã làm xong. Đó là một tài sản vô giá của dân tộc, cần phải được giữ gìn. Người chỉ huy vùng đất lúc bấy giờ là Đại hầu tước Ghê-đi-xin, ông cho mời các tu sĩ ở trong lâu đài tháp đến hỏi ý kiến cần phải làm gì để bảo vệ lâu đài này không rơi vào tay quân giặc.

Theo phong tục từ xa xưa, mỗi miền đất có một vị thần cai quản, cần phải làm theo ý muốn của thần để thần không nổi giận mà bỏ đi. Các nữ tu sĩ trả lời: "Muốn thế thì các bà mẹ hãy mang đứa con trai duy nhất đến tế thần để thần cảnh gác bảo vệ cho".

Tục "tế thần" khiến nhiều bà mẹ phải bế con đến lâu đài tháp bỏ con xuống hang sâu rồi dùng đá lấp kín lại. Ngày ấy có một bà mẹ bế con đến nơi tế lễ, bà đặt con xuống đáy hang rồi quay lên. Thủ tục dâng lễ bắt đầu. Cậu bé ngoan ngoãn nhìn mọi người và nói: "Cháu xin được thưa với Ngài hầu tước và các vị nữ tu một điều". Mọi người bằng lòng. Cậu bé nói: "Cháu muốn được hỏi: Cái gì nhẹ nhất, cái gì ngọt ngào nhất và cái gì rắn nhất trên đời này?".


Các tu sĩ trả lời: nhẹ nhất là bông hồng, ngọt nhất là mật và rắn nhất là sắt; nhưng cậu bé lắc đầu. Hầu tước hỏi: "Vậy đó là cái gì?". Cậu bé đứng dậy thưa: "Dạ!... nhẹ nhất là đứa con được bồng trên tay mẹ, ngọt nhất là bầu sữa mẹ và rắn nhất là trái tim yêu tổ quốc của mẹ".

Lời nói thông minh tràn đầy tình yêu thương của đứa con đối với mẹ đã làm rung động trái tim của tất cả mọi người có mặt trong buổi lễ tế thần. Ngài Đại hầu tước bước lên quả quyết tuyên bố với mọi người như một chiếu chỉ có giá trị ngay lập tức: "Em bé nói đúng! Em không thể bị chết như thế này! Toàn dân sẽ bảo vệ được Vi- nhút nhờ các bà mẹ. Ta yêu cầu xoá bỏ tục lệ vô lý này".

(Theo Truyện cổ nước Cộng hoà Lip-va)

Bài học đạo lý:

Nhờ có mẹ, những đứa con sẽ có tất cả. Đứa con yêu quý mẹ đã mang nặng đẻ đau, bồng ẵm dưỡng nuôi khôn lớn.

Công ơn của mẹ không gì sánh nổi. Vậy mà đối với mẹ, đứa con được bồng trên tay là nhẹ nhất hơn cả bông hồng. Mẹ cho con bầu sữa ngọt ngào nhất, nếu đem các loại sữa khác để cho con chọn lựa thì bầu sữa mẹ vẫn là sự lựa chọn số một của con. Mẹ hy sinh tất cả cho đứa con yêu quý nhất trên đời, trái tim của mẹ bao dung độ lượng cho dù con có lỗi lầm. Vậy mà trái tim của mẹ dành cho tổ quốc được đứa con trai thành Vi-nhút cho là rắn hơn cả sắt thép, vì khi đất nước cần mẹ sẵn sàng hiến dâng đứa con trai duy nhất tế cho thần linh để đổi lấy sự bình an cho tổ quốc.

Xoá bỏ đi tục lệ vô ích rất là khó. Vì sự xác tín tâm linh đã ăn sâu vào gốc rễ đức tin của mọi người từ lâu thành lệ rồi. Thành Vi-nhút quả thật may mắn có được những bà mẹ và những người con trai tuyệt vời. Câu hỏi và câu trả lời thông minh của một cậu bé đã giúp cho mọi người nhận ra sự sai lầm, xoá bỏ đi cái tục lệ vô lý trước sự reo hò vui mừng của thần dân thành Vi-nhút.

Bài học về mẹ có lẽ không bao giờ cũ đối với mỗi chúng ta, cho dù chúng ta còn mẹ hay không còn mẹ trên đời. Đọc đi đọc lại lời của người con trai bé nhỏ tội nghiệp kia chúng ta thấy thương mẹ vô cùng vì vị ngọt ngào nhất của dòng sữa mẹ vẫn đang tuần hoàn trong huyết quản của mỗi chúng ta.

Lê Đán
(Tạp chí Nghiên cứu Phật học số 3 năm 2014)

>>> Xem tin gốc