• Phật sự: 0902 427 222 - Phone USA: +14092179287 (Thầy Thích Nhuận Tâm)
  • Giáo vụ: 0906.721.705
  • Trụ trì: Đại đức Thích Nhuận Tâm

 

Một cõi đi về và khách tha phương

  • PDF.

ĐOÀN VĂN KHÁNH

Nằm lọt thõm giữa lòng phố xá thênh thang ngựa xe dập dìu qua lại là một vùng quê nghèo rớt mùng tơi. Trên trời dưới đầm ruộng rau muống, xen kẽ là đủ loại hoa sen hoa súng phô sắc tỏa hương với nắng và gió. Con đê uốn lượn quanh co ngoằn ngoèo khúc khủy nhò hẹp đến độ chỉ hai chiếc xe gắn máy ngược chiều tránh nhau, tay lái yếu lọt mương rớt ao là cầm chắc!

Những người dân tứ xứ vì miếng cơm manh áo tha phương cầu thực xiêu dạt đến thành đô, sau một thời gian chắt chiu đã sang lại miếng đất  dựng căn nhà chồi đỡ nắng che mưa. Những căn nhà ( thôi thì cứ gọi cho như thế) được dựng lên, lắp ghép bằng đủ loại vật liệu phế thải tranh tre, tôn thiếc giấy bìa bao ni lông… mà hình dáng cứ như bức tranh tập thể, siêu thực họa sĩ đang phóng bút dở dang…

Hồi đó, có vị tăng sĩ lặng lội đến đây, âm thầm phát quang đắp nền tạo dựng một diệp thất tu hành độ chúng. Dân địa phương quen miệng gọi là “ Chùa Lá” vì chùa đồng cảnh như các nhà dân chung quanh cũng dựng trên nền đất, mái lợp lá và thân chung quanh chỉ là tranh tre mà thôi.

Vị tăng ấy là thầy Nhuận Tâm, người khai sơn ngôi Chùa Lá vào buổi sáng ngày mồng tám Ất Hợi (1995) đến nay đã mười hai năm chẵn.

Ngay từ bước đầu đầy gian nan khổ ải đó, vào những đêm trăng sáng, nhiều anh em văn nghệ sĩ tìm đến đây cùng thầy trụ trị xướng họa thơ ca.

Thầy sống trải lòng ra với tha nhân, có những buổi thùng gạo trong nhà bêp gần cạn kiệt  nhưng dân tình chung quanh gặp buổi thất bát, vác nồi qua chùa xin đỡ mấy lon thầy cũng hoan hỷ… cùng tăng chúng ăn mì gói thay cơm!

Có lẽ nhờ đó mà thầy dần dà nhiếp phục, cảm hóa được nhiều bà con lối xóm vốn là những tay giang hồ hảo hớn có số má hẳn hoi ngoài xã hội. họ trở thành phật tử thuần thành từ lúc nao không bết.

Thuận duyên Tam Bảo và được Long Thân Hộ Pháp gia trì cùng lòng thành phát tâm cúng dường của đồng bào Phật tử gần xa, Chùa Lá ngày một thịnh hưng và khang trang cùng xóm nghèo xưa kia cũng thay da thắm thịt, ra dáng phố xá thị thành như bây giờ.

Nhà thơ Nguyễn Văn Thiên, tác giả bài thơ ca ngợi Mẹ hiền nổi danh một thời (Cây Đòn Gánh) đã phải thốt lên: “ Nghe danh Chùa Lá đã lâu / Đến thăm mới thấy … chùa lầu nguy nga…”.

Thực vậy, không ít khách thập phương ngạc nhiên như thế! Cái tên “ Chùa Lá “ bây giờ gọi lên vì đã quen cửa miệng để nhắc nhở một thời gian khó đã qua.

Chùa Lá còn được gọi là chùa của… giới văn nghệ sĩ tha phương thuộc khắp mội miền đất nước! Thầy trụ trì vốn có duyên “chiêu hiền đãi sĩ”. Những bữa cơm chay đạm bạc, một góc chiếu nằm kềnh ven hành lang chánh điện hoặc sau gian nhà Tổ đủ dung nạp các văn nhân thi sĩ túi rỗng “lỡ bước giang hồ”.

Mỗi năm vài ba lần đất nước bị thiên tai bầm dập, Chùa Lá đều tổ chức những chuyến đi  cứu trợ và ngoài các tặng vật quyên góp được (gạo, mì, thuốc men, quần áo, tiền bạc…) còn có lực lượng văn nghệ sĩ tân nhạc, nhạc trẻ, cải lương tham gia rất hùng hậu phục vụ chương trình công diễn khá quy mô. Ngoài ra, Đạo Tràng còn ấn hành các giai phẩm ca mừng cúng dường nhân đại lễ Phật Đản, Vu Lan, Thành Đạo…

Các văn nghệ sĩ chẳng may thất lộc bất luận đến chùa sinh hoạt ít hay nhiều, sang hèn, nổi danh hay không đều được chùa thiết lễ cúng tuần, cầu siêu tịnh độ và an linh vị thường xuyên hương khói như các nhà thơ Tâm Hiền Thương Thương Ấn, Quảng An Lê Quốc Lư, học giả Đào Mộng Nam, nghệ sĩ Thiêng Tình Sử và mới đây thôi là thi hữu Định Ban của chúng ta.

Mọi người đều xem Chùa Lá là một cõi đi về cho mình bây giờ cũng như mai hậu và thầy trụ trì vừa là một vị thầy, cũng là người bạn văn chí thiết với giới văn nghệ sĩ tha phương./.

 

THƠ NHUẬN TÂM

XUÂN BỒ ĐỀ

Ngồi tịch nhiên giữa vọng chơn
Bặt không suy nghiệm chẳng còn phân chia
Buông luôn ý niệm chánh, tà
Rỗng rang tâm chứa bao la đất trời

 

Tìm về tận suối cùng khơi
Thấy ra ngành ngọn kiếp đời trầm luân
Đất rung trời chuyển mấy lần
Giọt sương mai mọc chơn tâm vỡ bùng

 

Núi Hy Mã rợp hào quang
Nhân sinh rõ lối cười an nhiên về
Qua rồi bến khổ bờ mê
Ngàn năm dưới cội Bồ Đề khai xuân

 

THƠ NHUẬN TÂM

TRÙNG NGỘ VÔ ƯU

Trời Tây Nguyên xanh biếc
Rừng núi rộng dang tay
Đón tao nhân mặc khách
Cùng về chơi dăm ngày

 

Say chút tình đạo vị
Quanh sân chùa Phổ Minh
Ồ kìa Vô Ưu nở
Trên mắt em lung linh

 

Vàng hương chiều dịu nắng
Đọc nhau nghe vần thơ
Cảm như hòn non núi
Dồn tụ giữa bây giờ

 

Kể tài hoa lãng đãng
Bậc sĩ khí trượng phu
Trên con đường sáng tạo
Làm đẹp cõi bụi mù

 

THƠ NHUẬN TÂM

TỨ TUYỆT CAO NGUYÊN

Mù sương rờn lạnh núi
Cười thương kiếp bụi gầy
Quạnh hiu đời sơn nữ
Giữa mưa nguồn tuôn bay

 

Rừng cao ơi! Rừng cao
Ẩn chứa những diệu kỳ
Lên đây cùng mây trắng
Bay hồn ta vô vị

 

Thấy ba nghìn thế giới
Trên ghềnh thác xôn xao
Giữa trùng trùng duyên khởi
An nhiên bước ra vào

 

THƠ NHUẬN TÂM

VÒNG TAY MỞ

Vung kiếm tuệ chém bầu hư vọng
Lên yên cương tung vó ngựa hồng
Mờ gió bụi say hồn lữ khách
Khúc cuồng ca hát giữa tang bồng

 

Lòng rỗng rang tung mây, vẫy gió
Chuyện được thua như nước sa mù
Miễn sao một trận say túy lúy
Nhìn thấy trời xanh mây trắng qua

 

Qua về, hai nẻo đời xuôi ngược
Rộng mở lòng ra bước thảnh thơi
Mãi mãi thắm tình huynh nghĩa đệ
Chắp tay mười ngón nở không lời

 

Từ tâm tĩnh tại đóa tinh khôi
Niệm niệm viên âm thông thất đại
Thơ bay mật ý, lời chân nghĩa
Sải bước hoàn nguyên giữa đất trời

 

You are here Tin tức Tin tức - Thời sự Một cõi đi về và khách tha phương