• Phật sự: 0902 427 222 - Phone USA: +14092179287 (Thầy Thích Nhuận Tâm)
  • Giáo vụ: 0906.721.705
  • Trụ trì: Đại đức Thích Nhuận Tâm

 

Cô Bảy Nở - Tâm bồ đề dâng Phật

  • PDF.

Ngay từ lần đầu gặp người phụ nữ ấy, tôi đã không khỏi thán phục trước sự dẻo dai và vẻ đẹp phúc hậu hiếm có ở độ tuổi gần thất thập, ở cô toát lên khí phách của một doanh nhân thành đạt nhưng lại vô cùng gần gũi và đáng kính.

Không quá khi tôi phải thốt lên rằng: "Dường như dấu chân thời gian chưa bao giờ đi ngang cuộc đời cô vậy". Mọi người tán dương nét phúc hậu của cô, tuy nhiên họ lại khâm phục tấm lòng thiện nguyện của cô nhiều hơn nữa.

Co Bay No

Là phật tử thuần thành, luôn áp dụng lời Phật dạy: "Phục vụ chúng sanh là cúng dường chư Phật", cô đã cống hiến gần như cả đời người vì niềm vui và nụ cười của những mảnh đời bất hạnh, đặc biệt là các nạn nhân chất độc da cam/dioxin.

Cô là Trương Thị Nở - Phó ban Từ thiện T.Ư Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội cứu trợ trẻ em tàn tật Tp.HCM, Ủy viên BCH T.Ư Hội Nạn nhân chất độc da cam/Dioxin Việt Nam, Phó chủ tịch Hội nạn nhân chất độc da cam tỉnh Thái Bình, kiêm luôn Giám đốc Trung tâm dạy nghề và Giám đốc Quỹ của Hội.

Sinh ra tại vùng đất Thái Bình giàu truyền thống anh hùng nhưng cũng lắm đau thương vì ảnh hưởng của chất độc màu da cam để lại cho thế hệ sau quá lớn, cô Trương Thị Nở từ lâu luôn canh cánh trong lòng nỗi đau về những cuộc đời không trọn vẹn. Khi thấy cô bỏ ra hàng tỷ đồng để làm từ thiện, nhiều người thấy lạ, thậm chí còn... nghi ngờ, nhưng trên hết là một sự thán phục tột cùng.

Thực ra, những việc làm của cô xuất phát từ cái tâm, cái đức trong sáng, giúp đỡ những người bất hạnh, người già neo đơn, trẻ em mồ côi không nơi nương tựa, nạn nhân chất độc da cam... vơi bớt nỗi buồn đau để họ thấy mình không đơn độc.

Đã đi qua gần hết cuộc đời, với cô, tình thương và tấm lòng từ thiện đã trỗi vượt trên muôn ngàn danh hiệu và địa vị, nó gần như trở thành phương châm sống duy nhất của mình. Tấm lòng và bước chân từ thiện của cô đã in dấu trên mọi nẻo đường của đất nước Việt Nam, chưa nơi nào có người nghèo và nạn nhân chất độc da cam đang chờ đợi mà chưa có cô hiện diện. Từ mũi Cà Mau xa xôi, vùng rừng núi Tây Nguyên heo hút, đến miền Trung nắng gió, thiên tai hay Trường Sa, Côn Đảo, Phú Quốc... bất chấp thời tiết, chỉ cần có người cần mình là cô lại đi.

Suốt 25 năm trăn trở cùng nỗi đau của những nạn nhân chất độc da cam và người nghèo trên khắp đất nước, khoan nói về những đóng góp vật chất, chính tấm lòng thiện nguyện của cô xứng đáng được muôn người tôn vinh, thán phục. Thế nhưng, chưa bao giờ cô muốn được tung hô hay ca ngợi, cô cứ lặng lẽ và cần mẫn chia sẻ, giúp đỡ cho hết thảy mọi người. Hằng năm, cô cùng Hội cứu trợ trẻ em tàn tật Tp.HCM vận động tài trợ và tài trợ cho các chương trình từ thiện để thăm khám, phát quà, mổ miễn phí cho trẻ em tàn tật, đặc biệt là mẹ Việt Nam anh hùng, thương bệnh binh và các gia đình chính sách tại vùng sâu, vùng xa trên cả nước.

Cô đứng ra kêu gọi và kết hợp với các bác sĩ có tâm tài trợ cho những chương trình từ thiện do Hội cứu trợ trẻ em tàn tật TP.HCM tổ chức, cá nhân cô đóng góp 10% - 15% chi phí cho mỗi chuyến đi. Bên cạnh đó, với vai trò là Phó Ban từ thiện TƯ GHPGVN, cô còn kết hợp với các nhà tài trợ, các tổ chức Phật giáo (tiêu biểu là Tổ đình chùa Vĩnh Nghiêm - Q.3, TP.HCM) cúng cầu siêu vong hồn những liệt sỹ tại khắp các nghĩa trang cả nước, hỗ trợ cúng dường các Đại lễ của GHPGVN.

Ngoài ra, cô cùng Ban Từ thiện GHPGVN còn tổ chức tặng quà, tặng trâu bò, quần áo cho đồng bào vùng sâu, vùng xa và tham gia vận động mấy chục ngàn phần quà trị giá 1 triệu - 1.5 triệu đồng để cứu trợ đồng bào miền Trung bị bão lụt.

Đặc biệt, với cương vị Ủy viên BCH TƯ Hội Nạn nhân chất độc da cam/ Dioxin - Phó chủ tịch Hội nạn nhân chất độc da cam tỉnh Thái Bình, cô trăn trở và thương cảm nhất đối với những nạn nhân Dioxin. Nhiều năm qua, cô đã vận động tài trợ và tài trợ tặng sổ tiết kiệm cho Mẹ Việt Nam anh hùng (trị giá 5 triệu đồng mỗi sổ) và tặng quà cho hàng chục ngàn nạn nhân chất độc da cam trên cả nước với số tiền rất lớn. Không kể mưa gió, đường xa cách trở, bất chấp gian nan, cô luôn tự mình đến tận nơi để chia sẻ và thăm hỏi từng người, từng hoàn cảnh.

Tháng 7 vừa qua, cô đã đồng hành cùng "Hành trình về với mẹ" trao 1.000 phần quà trị giá hơn 1 tỷ đồng do các Doanh nghiệp đóng góp đến từng gia đình Mẹ Việt Nam anh hùng, mẹ liệt sĩ, các mẹ đang sống tại các cơ sở nuôi dưỡng, gia đình có trẻ em khuyết tật để tìm hiểu tình hình, tặng quà và lập danh sách với mục đích tổ chức hỗ trợ lâu dài. Bên cạnh đó, cô cũng tham gia Quỹ Vừ A Dính dưới sự điều hành của bà Trương Mỹ Hoa - Nguyên Phó chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam trao học bỗng cho học sinh sinh viên dân tộc thiểu số nghèo, học giỏi, phấn đấu rèn luyện tốt trong cả nước.

Bản thân cô là bộ đội, chồng cô là cựu chiến binh, anh và em trai lại là liệt sỹ nên cô hiểu và cảm thông sâu sắc nỗi đau tinh thần và cả thể xác của nạn nhân chất độc da cam. Phải đến tận nơi và nhìn tận mắt những số phận đáng thương do ảnh hưởng từ chiến tranh như cô thì chúng ta mới có thể cảm nhận sâu sắc những đau đớn mà các nạn nhân Dioxin đang gánh chịu. Trong lòng cô luôn đau đáu về những mảnh đời bất hạnh, khi ăn cũng như lúc ngủ, trong đầu cô luôn nhớ về họ để dặn lòng bớt sân si và kêu gọi mọi người chung tay giúp đỡ.

Cô chia sẻ: "Những người tàn tật bẩm sinh, ít ra thì họ không chịu nhiều đau đớn về thân xác, còn những nạn nhân chất độc da cam thì họ phải gánh chịu những nỗi đau da thịt quá lớn. Có gia đình, cả 3 thế hệ đều tật nguyện, hình hài không trọn vẹn. Có em bị lở loét toàn thân, da thịt bị bong tróc từng mảng. Cũng có em cơ thể bị co rút, suốt đời mang hình hài của một đứa trẻ. Phải chi họ khờ khạo, không biết suy nghĩ thì còn đỡ khổ, đằng này họ vô cùng minh mẫn, mà càng minh mẫn lại càng đau, càng cay đắng cho số kiếp của mình. Cô chịu không nổi con ơi!".

Nói đoạn, cô bèn buông một tiếng thở dài thương xót đầy trắc ẩn. Nói không ngoa, tôi cảm nhận dường như cô đang đau cùng nỗi đau của họ. Mỗi năm, cô ở nhà chỉ hơn một tháng, quỹ thời gian còn lại của cô dành toàn bộ cho công việc thiện nguyện và cúng dường, cầu siêu.

Trời Phật thương, may mắn là sức khỏe cô rất tốt, càng đi nhiều, cô càng thương nhiều và chia sẻ nhiều hơn nữa. Âu, đó chính là cái "nghiệp" mà Đức Thế Tôn đã ban cho cô vậy!

Đức Phật có dạy: "Hạnh phúc lớn nhất của đời người là bố thí". Sự san sẻ yêu thương mà Ngài đã dạy chính là con đường ngắn nhất để xóa tan mọi đổ vỡ, nối liền những khoảng cách và xoa dịu những đau thương, mất mát. Sống theo cách sống yêu thương của Ngài và sẻ chia hết những gì mình đang có, với tấm lòng thiện nguyện cao cả của mình, cô Nở xứng đáng được mọi người tôn vinh và thán phục.

Cô chưa bao giờ muốn được ca ngợi, cô làm việc thiện bởi vì tự cô thấy mình cần phải làm thế, thiết nghĩ đó chính là món quà tốt đẹp nhất, cao cả nhất cô dâng tặng Ngôi Tam Bảo. Thế gian này, thử hỏi, có được mấy người đã yêu thương hết thảy được như cô?

Khánh Ly

Nguồn: http://phatgiao.org.vn/song-dep/201409/Co-Bay-No-Tam-bo-de-dang-Phat-15876/

You are here Home